Đề xuất quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; thay thế Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Kiểm lâm Bắc Giang đo khối lượng gỗ của vụ vi phạm hành chính.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian qua, quá trình thực hiện Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (sau đây viết tắt là Thông tư 27), đã đạt được một số kết quả, cũng như phát sinh một số bất cập sau:

Một là, hiện nay, quy định đánh số hiệu đối với gỗ rừng trồng có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 mét trở lên khi lập Bảng kê lâm sản không phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động mua bán, vận chuyển, chế biến. Quá trình khảo sát, đánh giá cho thấy, đối với gỗ rừng trồng có đường kính đầu nhỏ dưới 10 cm thì chủ gỗ hoặc chủ rừng yếu sử dụng phương thức cân để xác định trọng lượng gỗ khi bán cho các cơ sở chế biến gỗ (sản xuất dăm gỗ, gỗ bóc), trị giá nguyên liệu gỗ rừng trồng đối với gỗ có đường kính đầu nhỏ dưới 10 cm chủ yếu được xác định theo trọng lượng gỗ (VNĐ/tấn), nên không cần thiết phải đánh số hiệu từng khúc, lóng khi lập Bảng kê lâm sản.

Hai là, Thông tư 27, bãi bỏ 09 văn bản quy phạm pháp luật và 01 điều của 01 văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm 15 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó: 03 TTHC cấp Trung ương, 07 TTHC cấp tỉnh, 04 TTHC cấp huyện, 01 TTHC cấp xã. Thông tư 27 đã đơn giản hóa và bãi bỏ nhiều TTHC, cơ chế quản lý nhà nước về khai thác, vận chuyển, mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản thông thoáng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vì vậy các tổ chức, cá nhân lợi dụng một hóa đơn bán lâm sản và hồ sơ lâm sản để thực hiện việc mua bán nhiều lần, không khấu trừ hồ sơ lâm sản dẫn đến tồn trên hồ sơ nhưng thực tế thì không còn (xoay vòng hồ sơ lâm sản), làm tăng nguy cơ gian lận thương mại.

Ba là, chủ rừng, chủ lâm sản tự quyết định việc khai thác lâm sản, tự lập bảng kê lâm sản sau khai thác không phải báo cáo, thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan Kiểm lâm gây khó khăn cho công tác thống kê sản lượng khai thác, dẫn đến số liệu không đầy đủ, thiếu chính xác; ảnh hưởng đến công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng. Cơ sở chế biến gỗ không phải báo cáo tình hình nhập, xuất lâm sản cho cơ quan Kiểm lâm sở tại gây khó khăn cho công tác tổng hợp, thống kê gỗ tồn kho để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Bốn là, quy định về điều kiện khai thác rừng trồng là rừng sản xuất do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu chưa phù hợp với Luật Lâm nghiệp. Cụ thể: Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Lâm nghiệp thì “Trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Thông tư 27 không quy định phải có sự đồng ý của cơ quan phê duyệt nguồn vốn quyết định mà tổ chức, cá nhân tự quyết định khai thác.

Năm là, Thông tư 27 thiếu quy định về trình tự thủ tục khai thác gỗ đối với khai thác cây tái sinh tự nhiên còn sót lại hoặc tái sinh tự nhiên trong rừng trồng sản xuất, các loài cây này sinh trưởng và phát triển cùng với quá trình chăm sóc rừng trồng do tổ chức, cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, khi khai thác rừng trồng, tổ chức, cá nhân không dám khai thác hoặc đã khai thác nhưng giữ nguyên tại hiện trường không vận chuyển, vì thiếu hướng dẫn về trình tự, thủ tục khai thác nên không có hồ sơ nguồn gốc để đi vào chuỗi cung ứng gỗ, gây lãng phí tài nguyên cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trồng rừng.

Sáu là, về quy định đánh dấu mẫu vật: Thông tư 27 quy định đánh dấu mẫu vật các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài thuộc các Phụ lục CITES; sản phẩm gỗ hoàn chỉnh khi mua bán để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, quy định chưa cụ thể, việc quy định đánh dấu trực tiếp lên mẫu vật chưa phù hợp với thực tiễn, do một số mẫu vật không thể đánh dấu trực tiếp như: Các loài rắn, các loại bò sát khác có kích thước nhỏ…

Từ các căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; thay thế Thông tư 27, để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh, phù hợp với Luật Lâm nghiệp, Công ước CITES, Hiệp định VPA/FLEGT, Thỏa thuận giữ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ hợp pháp, đặc biệt là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là hết sức cần thiết.

Theo dự thảo Thông tư, đối tượng xác nhận nguồn gốc lâm sản gồm:

1. Các loại gỗ phải thực hiện xác nhận nguồn gốc bao gồm:

a) Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước;

b) Gỗ thuộc đối tượng quy định tại Điều 11 Thông tư này; (Gỗ được khai thác từ cây rừng tái sinh tự nhiên hoặc còn sót lại trong rừng trồng là rừng sản xuất. Cụ thể, đối tượng khai thác: Cây gỗ tự nhiên thuộc loài thông thường còn sót lại hoặc tái sinh tự nhiên trong rừng trồng là rừng sản xuất).

c) Gỗ có nguồn gốc nhập khẩu sau thông quan từ quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực hoặc gỗ thuộc loài rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của Chính phủ về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam;

d) Gỗ của loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES;

đ) Gỗ xuất khẩu không thuộc điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

2. Các loại động vật, thực vật rừng ngoài gỗ phải thực hiện xác nhận nguồn gốc bao gồm:

a) Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES;

b) Động vật rừng, bộ phận, dẫn xuất và sản phẩm của của động vật rừng; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES. ”.

Tổng cục Lâm nghiệp đang lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 27. Sau khi Thông tư quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hiệu lực thi hành (thay thế Thông tư 27) sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập; bổ sung những quy định mới phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Công ước CITES, Hiệp định VPA/FLEGT và thực tiễn quản lý, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Lâm nghiệp; đồng thời, cắt giảm và đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

                                                                         Dương Đại Tiến

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024