Bắc Giang: Năm 2024, thực hiện chuyển đổi gần 672 ha cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024.

Theo Kế hoạch, năm 2024 toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 671,9 ha cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại 09 huyện, thị xã. Trong đó, thực hiện chuyển đổi sang cây hàng năm 169 ha; chuyển đổi sang cây lâu năm 439,9ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 63 ha. Huyện Lục Ngạn là địa phương thực hiện chuyển đổi nhiều nhất với 179,2 ha, đều chuyển sang cây lâu năm.

Thông qua việc chuyển đổi nhằm xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo thành các vùng hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, khai thác tốt hơn lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh yêu cầu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải tuân thủ các quy định của Luật Đất Đai, Luật Trồng trọt, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ.

ảnh minh họa

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu.

Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định, được thống kê là đất trồng lúa.

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện triển khai Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả và hoàn thành kế hoạch.

Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc chuyển đổi và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc kịp thời. Phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện kết nối cung cầu, hội chợ thương mại…để giới thiệu, quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa cho nông dân.

UBND các huyện căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phạm vi toàn tỉnh và nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của địa phương. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ban hành kế hoạch chuyển đổi thực hiện đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương. Nếu phát hiện chuyển đổi sai quy định phải chỉ đạo dừng ngay và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để nông dân chuyển đổi tự phát, ngoài quy hoạch, kế hoạch.

Tuyên truyền, phổ biến, công khai thủ tục hành chính chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về trình tự, thủ tục đăng ký khi thực hiện chuyển đổi; các chính sách, quy hoạch, đề án liên quan đến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới các hộ nông dân để biết và tổ chức thực hiện.

Được biết, thời gian qua toàn tỉnh có trên 7,2 nghìn ha đã lập hồ sơ chuyển đổi theo quy định, trong đó, năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là trên 1.029 ha.

Nhiều mô hình sau chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất khoai tây tại các huyện Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Động... với quy mô từ 20- 50 ha/vùng cho giá trị đạt trên 200 triệu đồng/ha; mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng táo tại xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn cho giá trị trên 550 triệu đồng/ha; mô hình chuyển đổi sang trồng ổi Đài Loan tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên cho giá trị trên 800 triệu đồng/ha/năm…/.

Chi tiết có Kế hoạch kèm theo./.

Ngọc Thọ

Chủ nhật, 05 Tháng 05 Năm 2024