Bắc Giang: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Đào chuông

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vừa qua, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Đào chuông (Enkianthus quinqueflorus Lour.) phân bố tại khu vực Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang”

Cơ quan chủ trì là Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang; chủ nhiệm đề tài là Thạc sĩ Vi Thị Bích Hồng; thời gian thực hiện: 36 tháng (từ tháng 4/2024 đến tháng 4/2027); mục tiêu của đề tài là: 1) Tuyển chọn và xây dựng được phương án bảo tồn tại chỗ 50 cây mẹ Đào chuông; 2) Xây dựng được vườn sưu tập cây Đào chuông với quy mô 3.000 m2; 3) Xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống; trồng, chăm sóc cây Đào chuông; 4) Xác định được một số biện pháp kỹ thuật tác động đến sinh trưởng, phát triển của cây Đào chuông; 5) Xây dựng mô hình trồng phân tán cây Đào chuông tại một số điểm với quy mô 3.500 cây; nội dung thực hiện chủ yếu là: 1) Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học cây Đào chuông; 2) Tuyển chọn và xây dựng phương án bảo tồn tại chỗ 50 cây mẹ Đào chuông; 3) Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống cây Đào chuông; 4) Xây dựng mô hình nhân giống cây Đào chuông (trong đó: sản xuất 3.000 cây giống bằng phương pháp gieo ươm từ hạt; 200 cây giống bằng phương pháp chiết cành và 3.300 cây giống bằng phương pháp giâm hom; 5) Xây dựng vườn sưu tập cây Đào chuông với quy mô 3.000m2 (số lượng 500 cây); 6) Xây dựng mô hình trồng phân tán cây Đào chuông với quy mô 3.500 cây; 7) Tổ chức 01 hội thảo khoa học và 01 hội nghị tập huấn kỹ thuật.

Cây Đào chuông có tên khoa học là Enkianthus quiaqueflorus Lour. thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae). Đào chuông còn được gọi là Trợ hoa, Bông vàng, Hoa chuông, Hoa đào chuông, là một loài hoa cực kì quý, cây hoa thân gỗ nhỏ, thường cao từ 3 - 5m, lá đơn mọc so le, có lông, mọc thành cụm ở ngọn cành, hình chứng ngược hoặc elip thuôn dài 6 - 12cm, rộng 2 - 4cm, đỉnh ngọn, cuống lá mập dài 6 - 8cm; đài hoa có 6 - 16 cánh màu đỏ, cuống hoa màu lục dài 1,5 - 3cm, các thùy màu đỏ hình tam giác hoặc mũi mác dài khoảng 3mm, tràng hoa hình chuông ngắn 5 thùy, các thùy cuộn ra ngoài, chiều dài khoảng 1,2cm, màu đỏ, đỏ nhạt, đỏ thuần; hoa rủ xuống hình chuông, nhụy sợi nhỏ màu trắng dài khoảng 5mm, thẳng đứng; thời kỳ ra hoa, kết quả từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; quả chín từ tháng 5 đến tháng 9, tập trung nhất từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Phân bố tập trung chủ yếu ở các vùng núi cao (từ 800m trở lên so với mực nước biển) như Bà Nà Hill (Đà Nẵng), Yên Tử (Bắc Giang, Quảng Ninh), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hoàng Liên (Lào Cai),…Loài hoa đặc biệt này có 2 màu trắng và hồng, hình dáng như những chiếc chuông nhỏ nhắn treo lơ lửng trên cành trông rất đẹp. Cây thường ra hoa vào mùa xuân (dịp tết Nguyên đán), do vậy Đào chuông hiện nay được rất nhiều người sưu tầm để chưng vào dịp đầu năm chơi tết với mong muốn mang nhiều may mắn và thuận lợi trong năm mới.

Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và các vùng lân cận có một loài hoa được gọi là Đào chuông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, cây Đào chuông có phân bố trong tự nhiên rất hẹp, còn xuất hiện tại một số khu rừng tự nhiên thuộc địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam. Tuy nhiên, hiện nay do giá trị nhiều mặt của cây Đào chuông, cùng với nhu cầu sử dụng ngày càng cao của con người cả về mặt vật chất, lẫn tinh thần, nhất là sử dụng chúng vào dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc; nên loài cây hoa này trong rừng tự nhiên đang bị người dân khai thác quá mức, làm số lượng cây trong tự nhiên giảm đi nhanh chóng, một số ít còn sót lại thì dân chơi cây cảnh ưa thích đã tìm kiếm và khai thác cạn kiệt, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái rừng, cảnh quan tự nhiên cũng như công tác bảo tồn loài cây hoa thân gỗ, bản địa đặc sắc và quý trên địa bàn tỉnh. Vì vậy mà hiện nay cây Đào chuông ngày càng hiếm thấy khó tìm; mặt khác người dân còn thiếu hiểu biết về chuyên môn và kinh nghiệm nên cây được di thực từ tự nhiên về trồng ở vườn nhà cho tỉ lệ sống rất thấp và hoa thường nở không đúng dịp tết,...

Bên cạnh đó, ngày 15/6/2021 tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 112-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển du lịch một cách bền vững gắn bảo tồn phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Nghị quyết cũng đã nêu rõ mục tiêu cho sự phát triển du lịch tỉnh trong giai đoạn tới đó là hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô, tạo sức lan tỏa, tạo thương hiệu nổi bật trở thành khu du lịch quốc gia, trong đó có điểm Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử. Tuy nhiên, để khách du lịch đến đông hơn thì cần tạo các điểm nhấn cho những khu, điểm du lịch này. Kinh nghiệm ở một số địa phương đã làm như: Bình Định, TP Cần Thơ đã xây dựng đường hoa Mai vàng, Đà Lạt xây dựng đường hoa Anh đào, Tuyên Quang xây dựng đường hoa Lê,…Đây là những nét độc đáo của những địa phương này mà khi nhắc đến du khách sẽ không nhầm lẫn với nơi nào khác. Ở Bắc Giang, nếu như hình thành được một số điểm, đường hoa Đào chuông tại khu du lịch này thì sẽ tạo được điểm nhấn, độc đáo cho sản phẩm du lịch của địa phương.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc thực hiện đề tài: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Đào chuông (Enkianthus quinqueflorus Lour.) phân bố tại khu vực Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang" là thực sự cần thiết và cấp bách hiện nay./.

 Một số hình ảnh hoa, quả cây Đào chuông tại Khu BTTN Tây Yên Tử

Lã Mạnh Cường

Chi cục Kiểm lâm

Thứ năm, 02 Tháng 05 Năm 2024