Bắc Giang: NGƯỜI NÔNG DÂN CÓ THỂ LÀM GIÀU TỪ NUÔI CÁ ?

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
“Người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ nuôi cá”, đó là lời tâm sự với chúng tôi của anh Thân Văn Chuyển, sinh năm 1955, thôn Thanh Mai, xã Đa Mai, TP Bắc Giang trong một ngày gặp gỡ cuối tháng 8/2014 vừa qua”...


Một góc trang trại của anh Thân Văn Chuyển

Đến thăm cơ sở trang trại của anh Thân Văn Chuyển, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô khang trang, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ của một mô hình nuôi cá thâm canh năng suất cao. Sau tiếng vỗ tay của người chủ ao, từng đàn cá nổi lên mặt ao tìm thức ăn đã tạo nên khung cảnh sinh động, gần gũi, giản dị giữa làng quê đang trên đà phát triển của thành phố Bắc Giang.

Những năm vừa qua, được sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp ở địa phương, đến cuối năm 2000, anh đã mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích trồng lúa sang nuôi cá chuyên canh và thực hiện mô hình VAC kết hợp. Ngay sau khi chuyển đổi với tổng diện tích 1,5 ha, anh đã bắt tay ngay vào xây dựng trang trại nuôi thủy sản năng suất cao với đối tượng nuôi chính là cá rô phi, chim trắng. Vốn là con người mạnh dạn, năng động, chịu khó tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, anh đã rất thành công trong việc xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp xây dựng trang trại đạt hiệu quả cao. Doanh thu từ các ao nuôi cá trong những năm gần đây đạt trên dưới 700 triệu đồng/năm, riêng năm 2013 thu được 25 tấn cá các loại đạt doanh thu 875 triệu đồng từ việc nuôi trồng thuỷ sản.

Với 1,5 ha diện tích, anh thiết kế thành 02 ao lớn nhỏ trong đó ao nhỏ 3.000 m2 để nuôi vỗ cá giống phục vụ cho việc nuôi cá thịt trong hồ và để phân loại cũng như xử lý phòng bệnh cho cá trước khi đưa vào hồ nuôi. Ngoài đối tượng nuôi chính là cá rô phi đơn tính thả 60 % lượng cá nuôi trong hồ, anh còn kết hợp nuôi ghép các loài cá khác như mè, trắm, chép, chim trắng... Trao đổi với chúng tôi, anh Chuyển cho biết, để đạt được sản lượng cao, nuôi có hiệu quả thì phải làm tốt các khâu sau

Thiết kế ao nuôi:

Ao nuôi cá phải ở gần nguồn nước sạch để dễ dàng cấp và thoát nước. Ao quang đãng, không bị cớm rợp, tiện đi lại chăm sóc. Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, bờ có độ cao lớn hơn mực nước cao nhất của ao từ 0,5 m trở lên, mực nước sâu từ 1,8 - 2,5 m -“sâu ao cao bờ”. Ao có cống cấp và thoát nước được đặt đối diện nhau theo chiều dài của ao, độ nghiêng đáy ao dốc về phía cống thoát nước từ 3 - 5‰. Với những ao ở khu vực có nước dồn về mùa lũ phải có hệ thống cống xả tràn, đăng, kè chắc chắn để chắn giữ cá.

Lựa chọn giống:

Mật độ, đối tượng: Cần phải chọn lựa kỹ càng các loại giống để đảm bảo khoẻ mạnh, nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở có uy tín, không mang mầm bệnh, tốt nhất là giống cấp III (8-12 cm). Mật độ nuôi 01 -2 con/m2 và nên nuôi ghép trong đó chọn một đối tượng nuôi chính để tận dụng được diện tích, thức ăn. Trước khi thả cá giống xuống ao cần tắm phòng bệnh cho cá trong dung dịch muối ăn (NaCl) với nồng độ 2 - 3 % (2-3 kg muối ăn/100 lít nước) trong 10 -15 phút.

Cá giống thả theo tỉ lệ hợp lý: Dựa vào thị trường tiêu thụ, tính ăn, tầng nước sống của các loài cá, điều kiện chăm sóc của chủ hộ. Các đối tượng nuôi chính như rô phi đơn tính, chép, chim trắng, nuôi ghép với trắm cỏ, trôi, mè.

+ Rô phi đơn tính:  60%.

+ Cá Chim trắng:   20%.

+ Cá Chép:            10 %

+ Mè:                       5 %

+ Cá trắm cỏ:           5 %

Liên tục có cá “gối”: Thiết kế từ 01 – 02 ao nhỏ để chuẩn bị lượng cá giống hậu bị nuôi trong các ao tận dụng thời vụ trong năm, tránh lãng phí diện tích mặt nước, giảm chi phí mua cá giống.

 

 

 

Chăm sóc:

Cho ăn đầy đủ cả lượng và chất, nhất là giai đoạn cá giống và trước khi thu hoạch để cá phát triển đồng đều. Với  phương thức nuôi thâm canh và bán thâm canh thì thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp kết hợp với thóc, ngô, khoai, đậu tương, cám mạch... Mỗi ngày cho ăn 3 - 5 % tổng trọng lượng đàn cá. Lượng thức ăn trong ngày được điều chỉnh dựa vào thời tiết, khả năng bắt mồi của cá, số lượng cá trong ao. Cần bổ sung chất khoáng, vitamin, men để cá nuôi tăng sức đề kháng và tiêu hóa tốt hơn. Thức ăn được chia đều 2 bữa, 1 bữa cho cá ăn vào 8 - 9 giờ sáng, số còn lại cho ăn bữa chiều vào 4 - 5 giờ. Cần cho cá ăn đúng số lượng, chất lượng, đúng giờ để tạo phản xạ cho ăn. Cho ăn trên không gian rộng mặt ao để các loại cá đều có thể tiếp cận thức ăn.

Theo dõi hoạt động của cá thường xuyên hàng ngày vào các buổi sáng, sau khi mưa rào, để phát hiện các hiện tượng biến động khác thường và có biện pháp xử lý kịp thời như hiện tượng cá mắc bệnh, cá  bị sốc pH, thiếu oxy, cá bị nhiễm chất độc, tràn ao...Thêm nước mới hàng tháng cho ao bằng cách tháo nước cũ 20 – 30 cm và thêm nước mới đến mức cần thiết. Định kỳ 2 - 3 tuần 1 lần dùng vôi bột hoà nước té đều cho ao với lượng 2 - 3 kg/100m3 nước. Phân chuồng dùng để bón cho ao cần được ủ hoai với vôi bột khoảng 20 ngày trước khi bón với liều lượng 4 - 5 kg vôi/100 kg phân chuồng để diệt hết các vi khuẩn gây bệnh cho cá.

Thu hoạch:

 

 

Thu hoạch theo phương thức “Đánh tỉa thả bù” - sau khi thu cá đạt kích cỡ thương phẩm thả bù lại đủ số lượng, chủng loại đã thu hoạch. Điều quan trọng là phải tính toán các vụ nuôi trong năm đảm bảo thời điểm thu hoạch hợp lý, được giá.

 Anh Chuyển cũng cho biết thêm, để đạt năng suất, hiệu quả cao trong nuôi thâm canh và bán thâm canh, người nuôi phải mạnh dạn đầu tư, tăng cường việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất như sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường bên cạnh việc dùng vôi truyền thống, sử dụng quạt nước, máy tạo oxi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cho cá trong ao nuôi… Ngoài ra, người nuôi cần có sự đam mê, tìm tòi để vận dụng các biện pháp kỹ thuật cho phù hợp với đặc thù ao nuôi, điều kiện nuôi của mình và thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm hay từ những người nuôi cá ở địa phương. Trước khi chia tay, anh còn cho biết thêm đã lắp hệ thống dẫn nước từ sông Thương dài trên 150 m vào ao để chủ động nguồn nước, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư máy quạt nước và thử nghiệm một số loại chế phẩm sinh học trong quá trình cải tạo ao.

Như vậy với sự cố gắng của bản thân, sau hơn mười năm nuôi cá kết hợp với chăn nuôi, gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định. Số tiền này đã giúp anh trả hết vốn vay đầu tư, xây dựng nhà cửa khang trang, mở rộng và hoàn thiện trang trại ngày càng ổn định, phát triển với trên 200 m2 chuồng trại, 70 con lợn thịt, trên 200 con cá sấu... Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 02 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ trong đó chủ yếu phục vụ cho nghề cá.

Được biết, ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh luôn tích cực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và các phong trào của địa phương, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi cho bà con từ đó đã tạo được sự thân thiện với người dân và được mọi người ủng hộ công việc làm ăn của anh. Chia tay anh, chúng tôi đã phần nào lý giải được câu hỏi đặt ra ở đầu bài, có thể nói, những người như anh Chuyển là tấm gương điển hình trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn.

 

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024