Bắc Giang: Trên 345ha rừng trồng bị sâu bệnh hại

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Theo thông kê của Chi cục Kiểm lâm, tổng diện tích rừng trồng bị sâu bệnh là 345,76ha, trong đó huyện Lục Ngạn 345ha, Yên Thế là 0,76ha

Theo đó, loài cây trồng bị sâu bệnh hại gồm Bạch đàn cự vĩ DH3229 (sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô), rừng trồng năm 2022 với diện tích 345ha trên địa bàn các xã: Đèo Gia 115ha và Tân Lập 230ha, huyện Lục Ngạn. Keo lai mô dòng AH1 với diện tích 0,76ha, rừng trồng năm 2021 trên địa bàn xã Đồng Tiến, huyện Yên Thế.

Đối với diện tích rừng trồng Bạch đàn cây bị sâu đục thân xuất hiện ở rừng trồng năm thứ nhất và năm thứ 2 (rừng trồng năm 2022 - 2023) trên địa bàn huyện Lục Ngạn, với tỷ lệ khoảng 80% trên tổng diện tích rừng trồng dòng bạch đàn lai Cự vĩ HD 32-29. Làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng gỗ, cây không bị chết (các cây bị sâu chiếm 20% tổng số cây trong lô).

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra sinh trưởng Bạch đàn cư vĩ

Đối với diện tích rừng trồng Keo lai dòng AH1 cây có hiện tượng bị nấm bệnh chết rút (các cây bị bệnh chiếm từ 1-2% tổng số cây trong lô). Ngoài ra, trên địa bàn huyện Yên Thế còn phát hiện rải rác một vài cây Keo bị vàng lá, héo, chết khô ở một số khu vực không tập trung.

Nguyên nhân gây bệnh đối với cây Bạch đàn do một loại sâu đục thân gây nên. Đối với hiện tượng nấm bệnh bị chết rút trên cây Keo hiện chưa rõ nguyên nhân.

Để khắc phục tình trạng rừng trồng bị sâu, bệnh hại, Chi cục Kiểm lâm khuyến cáo người dân đối với rừng trồng mới cần lựa chọn các cơ sở sản xuất giống uy tín, sử dụng giống có chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng để trồng rừng. Vệ sinh sạch thực bì, cuốc hố và sử dụng vôi bột hoặc chế phẩm sinh học hoặc thuốc trừ nấm xử lý đất trước khi trồng rừng. Cây giống trước khi trồng cần phun, thuốc phòng trừ nấm để tránh bệnh xâm nhập. Đối với sâu hại Bạch đàn, ngoài việc chọn giống trồng rừng, có thể dùng bẫy bắt, tiêu diệt sâu trưởng thành, hạn chế lây lan.

Thực hiện luân canh các loại cây lâm nghiệp, tuyệt đối không trồng cùng một giống hoặc một loài cây sau chu kỳ trồng rừng lần thứ 3.

Kiến nghị cơ quan chuyên môn Trung ương cử chuyên gia về kiểm tra, nghiên cứu nhằm xác định rõ nguyên nhân cây trồng bị sâu, bệnh và đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể./.

Ngọc Thọ

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024