Câu hỏi: Xin hỏi để tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả cao cần thực hiện những biện pháp gì?

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Thông tin người hỏi: Họ và tên: Trần Văn Ánh

Trả lời:
Chào anh Ánh

Để sử dụng vắc xin mang lại hiệu quả cao, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

1. Bảo quản, vận chuyển đúng kỹ thuật

Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8oC (trong ngăn mát của tủ lạnh hoặc kho lạnh), không để vắc xin trong ngăn đá hoặc tiếp xúc trực tiếp với đá. Khi vận chuyển vác xin phải đựng vào hộp xốp, thùng bảo ôn hoặc túi ni lông tối màu có đá giữ lạnh; cần tránh va đập và đặc biệt không được để cho ánh nắng trực tiếp chiếu vào chai vắc xin.

2. Tiêm phòng vắc xin đúng kỹ thuật

Tiêm phòng hàng năm cho gia súc, gia cầm trước mùa phát bệnh, cụ thể tiêm vào 02 vụ chính trong năm: Vụ Xuân tiêm vào khoảng tháng 3-4 và vụ Thu vào khoảng tháng 9-10; ngoài các đợt chính phải thường xuyên tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi. Luôn ghi nhớ: Vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được bệnh đó, không phòng được bệnh khác;

 Không được tiêm vắc xin cho động vật đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ và thận trọng khi tiêm phòng cho động vật mang thai, thời kỳ chửa cuối.

 Bơm, kim tiêm phải đảm bảo tiệt trùng. Tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng; Không dùng các loại hóa chất để sát trùng bơm, kim tiêm.

Dùng vắc xin đủ liều, đúng đường tiêm, đúng vị trí...theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; vị trí tiêm phải được sát trùng; không dùng lọ vắc xin đã bị vỡ, nứt, hết hạn sử dụng; trước khi tiêm cho vật nuôi phải nâng nhiệt độ của lọ vắc xin lên khoảng 250C; lắc kỹ lọ vắc xin trước khi sử dụng; vắc xin đã pha hoặc đã cắm kim tiêm, nên dùng càng sớm càng tốt, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai lọ, kim tiêm; sau khi sử dụng vắc xin, cần theo dõi vật nuôi để kịp thời can thiệp các trường hợp phản ứng; nên mua vắc xin ở những nơi có đủ điều kiện bảo quản, tốt nhất mua tại các cửa hàng được Chi cục Chăn nuôi và thú y cấp phép bán vắc xin hoặc Trạm Chăn nuôi và thú y các huyện để đảm bảo chất lượng và được tư vấn kỹ thuật về cách sử dụng các loại vắc xin.

3. Một số bệnh cần thiết phải phòng bệnh bằng vắc xin

Để chăn nuôi có hiệu quả, ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tổng hợp như: thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, …thì người dân cần chấp hành việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi. Cụ thể: Đối với trâu bò người dân cần tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng; Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin Dịch tả, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Lở mồm long móng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, tai xanh; Đối với chó, mèo: Tiêm phòng bệnh Dại; Đối với gà: Tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm, Newcastle; Đối với vịt: Tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm, Dịch tả vịt.

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024