Chủ động công tác ứng phó với mưa bão trong nuôi trồng thủy sản

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) mới có văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động công tác ứng phó với mùa mưa bão trong nuôi trồng thủy sản năm 2023.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm có thể xuất hiện nhiều đợt mưa giông, bão, lũ, gây ngập lụt các ao nuôi và hiện tượng cá chết hàng loạt nhất là đối với nuôi lồng bè. Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa bão, hạn chế thiệt hại xảy ra trong nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thủy sản đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT (Kinh tế) các huyện, thành phố trong công tác phòng chống mưa bão, lũ lụt cần xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai các biện pháp phòng, ứng phó hiệu quả với mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản.

Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, quạt nước, máy hút nước...) để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục khi có mưa lũ xảy ra.

Đối với nuôi thủy sản trong ao, hồ cần kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ nước, phát quang cành cây xung quanh ao và khơi thông mương, rãnh, tạo đường thoát nước. Đặt máy bơm công suất lớn tiêu úng nước tại các vùng trọng điểm, tập trung khi cần thiết. Dùng lưới che chắn xung quanh bờ ao (độ cao 70 - 100 cm, ghim sâu 20 - 30 cm dưới mặt đất), nhằm hạn chế tối đa lượng cá thoát ra ngoài.

Bờ bao nuôi trồng thủy sản kiên cố tại vùng sản xuất huyện Tân Yên

Với diện tích nuôi cá ruộng trũng: Ruộng nuôi phải có đê bao chắc chắn không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5m để tránh lũ lụt tràn bờ, xung quanh ruộng nuôi bố trí cống thoát nước, tuỳ thuộc vào diện tích của ruộng nuôi để bố trí số lượng cống cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra hệ thống cống thoát nước, bờ vùng, dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.

Rải vôi (2- 3 kg/100 m3) xung quanh bờ ao trước mỗi đợt mưa, lũ để ổn định môi trường nước ao nuôi. Đồng thời, bổ xung Vitamin C, chế phẩm vi sinh vào thức ăn để giúp thủy sản nuôi tăng sức đề kháng sau mưa lũ. Chủ động thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.

UBND các xã, thị trấn cần chủ động cử cán bộ  bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại khi mưa lũ xảy ra. Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho người dân kê khai trước khi sản xuất theo mục 2, điều 4, Nghị định 02/NĐ-CP ngày 9/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: "Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản''.

Sau mưa lũ cần thường xuyên theo dõi môi trường nước ao nuôi để chủ động xử lý kịp thời, xả bớt nước ao, chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước.

Vệ sinh sạch sẽ ao nuôi, phát quang bờ bao gia cố, loại bỏ thức ăn thừa trong ao, cá chết cần được tiêu hủy theo định. Định kỳ bón vôi 2 tuần /lần với liều lượng 2 - 3 kg/100 m3 nước ao vào lúc thời tiết mát mẻ nhằm làm sạch môi trường nước hạn chế mầm bệnh.

Sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học định kỳ để tiêu độc khử trùng, ổn định môi trường ao nuôi. Tích cực cho cá ăn thức ăn công nghiệp đầy đủ cả về lượng và chất để đảm bảo cá khỏe mạnh. Định kỳ hàng tháng bổ sung vitamin C, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn cá nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý khịp thời.

Hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định tại Nghị định 02/NĐ-CP ngày 9/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Được biết năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 12 nghìn ha, riêng diện tích chuyên canh 6,05 nghìn ha, diện tích thâm canh 1,85 nghìn ha. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 53,3 nghìn tấn. Vì thế, việc chủ động các biện pháp phòng, chống ảnh hưởng do bão lũ gây ra đối với diện tích nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, giúp khai thác triệt để diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh./.

Ngọc Thọ

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024