Chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 3 và mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Ma-on) từ chiều ngày 25/8 đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm

Để chủ động ứng phó với diễn biến cơn bão số 3 (Ma-on) và diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phòng chống ngập úng tại các vùng trũng thấp, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất từ các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời thực hiện các phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình đê điều, thủy lợi, tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.

Diễn biến cơn bão số 3 (Ma-on) 

Các huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra các khu vực ven sông, suối, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, ngập lụt, chia cắt.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện đế khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; quản lý, trông giữ, không để trẻ em chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Các huyện vùng trũng thấp các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang chủ động bơm tiêu nước đệm, tổ chức kiểm tra, vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu thoát nước cho các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra.

Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi trồng thủy sản; thu hoạch hoa màu đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng và bảo vệ sản xuất đặc biệt đối với vùng trũng thấp.

Cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; với các hồ chứa có mức trữ cao, cần theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến để có phương án vận hành phù hợp; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Ngọc Thọ

Văn phòng Sở NN&PTNT

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024