Giới thiệu một số giống thủy sản chủ lực sản xuất tại Bắc Giang

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong chăn nuôi thủy sản giống là tiền đề quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Nếu chất lượng giống thủy sản không được đảm bảo cá lớn chậm, tiêu tốn nhiều thức ăn, khả năng kháng bệnh kém, khả năng thích ứng điều kiện môi trường giảm dẫn đến năng suất nuôi thấp.

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng giống thủy sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong những năm qua Trung tâm Giống thủy sản cấp I Bắc Giang luôn làm tốt công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và tuyển chọn thay thế, nâng cao chất lượng đàn bố mẹ, không ngừng thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng, số lượng con giống thủy sản phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình…

Để nuôi đạt năng suất, sản lượng cao, có lãi Trung tâm Giống thủy sản cấp I Bắc Giang xin chia sẻ đến người nuôi một số giống thủy sản và tập tính sống, tính ăn của các loại cá, các điều kiện môi trường ảnh hưởng đến đời sống của các loài cá.

Cá Rô phi đơn tính sống ở tầng nước dưới và đáy, có thể chịu đựng được nước có hàm lượng ô xy hòa tan thấp 1 mg/l, ngưỡng gây chết khoảng 0,1 – 0,3 mg/l. Giới hạn pH từ 5- 10, nhưng thích hợp nhất là từ 6,5 – 8,5. Cá Rô phi là loài ưa nhiệt, chúng chịu đựng được nhiệt độ nước 11 – 420C nhưng phù hợp nhất cho sinh trưởng là 25 – 320C. Nhiệt độ nước dưới 180C cá Rô phi giảm ăn, ức chế khả năng tăng trưởng và tăng rủi ro nhiều bệnh. Ở nhiệt độ nước dưới 110C kéo dài trong nhiều ngày cá bị chết rét vì vậy cần có biện pháp phòng chống rét cho cá lưu qua đông ở miền Bắc nước ta.

Sau 5 – 6 tháng nuôi cá đạt khối lượng bình quân 800- 900g/con. Cá Rô phi lớn nhanh ở thời gian đầu đến tháng thứ 5 – 6. Ao nuôi thâm canh cá nuôi đạt khối lượng 1,2- 1,6 kg sau 8 tháng. Đối với ao nuôi thâm canh nên chọn cá giống Rô phi đơn tính cỡ 5 g/con, ao nuôi bán thâm canh và nuôi trong lồng nên thả cá giống cỡ trung bình 10 g/con. Trong nuôi cá Rô phi thâm canh hiện nay cần lưu ý công tác phòng trị bệnh xuất huyết xảy ra vào mùa hè và mùa thu khi nhiệt độ nước tăng cao, tác nhân liên cầu khuẩn phát triển mạnh.

Sau 5-6 tháng nuôi cá rô phi có thể đạt trọng lượng 800-900gram/con

Cá Chép lai là loài cá có giá trị kinh tế cao và giá trị dược liệu, thịt cá thơm ngon được mọi người ưa dùng. Cá Chép lai (Chép lai 3 máu) hiện đang nuôi phổ biến ở nhiều địa phương là kết quả lai tạo giữa cá Chép trắng Việt Nam, cá Chép Hungary và cá Chép Inđônêxia.

Cá Chép lai có khả năng tăng trọng gấp 1,5 - 2 lần so với cá Chép Việt Nam trong cùng điều kiện nuôi, nếu được chăm sóc tốt sau 7 tháng nuôi Chép lai đạt khối lượng 0,9 - 1,7 kg, trung bình đạt 1,3 kg. Cá Chép lai thuộc loại cá ăn đáy, ăn tạp nhưng thiên về động vật, chúng ăn giun, ấu trùng, côn trùng, ốc… Cá Chép lai là loại cá chịu rét khá tốt, sinh trưởng nhanh trong khoảng nhiệt độ 20 oC - 30oC, rất thích hợp với môi trường nuôi rộng thoáng như ao hồ rộng, khu vực ruộng trũng cấy lúa một vụ.

Đối với ao nuôi thâm canh nên chọn cá giống Chép lai cỡ 10 g/con, ao nuôi bán thâm canh nên thả cá giống cỡ trung bình 20 g/con và mật độ cá Chép hợp lý đối với những ao ít mùn bã hữu cơ, ít thức ăn tự nhiên.

Cá trắm cỏ, ưa vùng nước sạch, rộng, thoáng, có độ pH trung tính, cá thường sống ở tầng nước mặt và tầng nước giữa. Khi trưởng thành cá ăn chủ yếu là các loại thực vật như rong, cỏ, rau, bèo dâu, bèo tấm, lá sắn, lá ngô... Là loại cá nuôi phù hợp với điều kiện chăm sóc của người nông dân. Được chăm sóc đầy đủ cá 1 tuổi đạt khối lượng 1,0 - 1,5 kg, 2 tuổi đạt 2,5 - 4 kg. Từ giai đoạn cá giống lớn (5 - 10 con/kg tương đương 100-200 g/con) trở lên cá rất dễ mắc bệnh đốm đỏ. Đây là loại bệnh thường gặp ở cá trắm, tỷ lệ chết khá cao làm tổn hại lớn đến kinh tế của người nuôi. Nếu chúng ta làm tốt công tác cải tạo ao nuôi trước khi thả cá và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình nuôi thì có thể khống chế được căn bệnh này.

Cá Trắm đen, là loài cá có giá trị kinh tế cao, không những thịt cá thơm ngon mà còn có giá trị tốt cho sức khỏe, giá bán trên thị trường hiện nay trung bình khoảng 100.000/kg. Hiện nay, Trung tâm đã sản xuất giống nhân tạo thành công loài cá này để giải quyết những nhu cầu của người nuôi. Bên cạnh đó trong quá trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá giống Trung tâm cũng tích cực thuần hóa và ương dưỡng để cá có phổ thức ăn rộng, ăn thức ăn tinh, giúp cá sinh trưởng nhanh góp phần nâng cao năng suất và sản lượng. Đối với các ao hồ rộng, các đồng ruộng trũng rất phù hợp thả nuôi đối tượng này.

Cá Chim trắng  ăn tạp, phổ thức ăn rất rộng nhưng thiên về thức ăn có nguồn gốc động vật . Thức ăn thực vật gồm nhiều loại rau trên cạn và d­ưới nư­ớc, mùn bã hữu cơ. Thức ăn động vật gồm giun đất, nhộng tằm, tôm cá nhỏ, ốc hến, thịt phế phẩm. Cá Chim trắng bắt mồi rất nhanh thư­ờng ăn ngầm là chính. Nhiệt độ sinh tr­ưởng từ 21 – 320C, thích hợp nhất là 28 – 300C, sống được từ 12 – 420C, bị chết ở nhiệt độ dưới 100C. Khi nhiệt độ thấp cá kém ăn, tăng trưởng chậm, nhiệt độ thấp dưới 12 0C kéo dài có thể gây chết hàng loạt. Sau 10 tháng nuôi từ cỡ giống 4 – 5 gam/con có thể đạt cỡ 0,8 – 1,5 kg. Để đảm bảo tốc độ sinh trưởng nhanh nên thả giống sớm ngay từ cuối mùa xuân khi nhiệt độ nước trên 200C bằng giống lưu qua đông.

Cá Mè trắng, Mè hoa, tiêu tốn rất ít thức ăn tinh nên người nuôi cần thả ghép khoản từ 5-10 % cá mè để tận dụng thức ăn tự nhiên và sinh vật phù du trong ao- Cá 1 tuổi đạt khối lượng 0,5 - 0,7 kg, cá 2 tuổi đạt 1,5 - 1,8 kg. Cá Mè trắng ưa nồng độ ôxy cao, độ pH trung tính, nhiệt độ nước thích hợp 20 - 30oC; màu nước ao nuôi cá mè có màu xanh nõn chuối hoặc màu vỏ đỗ xanh là tốt.

Cá Mè hoa: Có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc tính ít hoạt bát hơn cá Mè trắng, sống ở tầng nước giữa, ăn động vật phù du là chính. Trong ao nuôi, khối lượng động vật phù du ít hơn thực vật phù du do vậy cá Mè hoa không nên thả dày. Thả đúng mật độ, cho cá ăn đầy đủ mè hoa 1 tuổi đạt khối lượng 1 - 1,5 kg, 2 - 3 tuổi đạt 4 - 6 kg.

Cá Trôi Mrigall, Trôi Ân Độ:  Cá Mrigall thích sống ở nguồn nước có độ pH trung tính, nhiệt độ nước thích hợp 20 - 30oC, hàm lượng oxy trung bình.

Cá Trôi Ấn Độ có nguồn gốc từ Ấn Độ, cá sống tầng nước giữa và tầng đáy; đây là loài cá phàm ăn, ăn tạp, thích ăn các loại mùn nát hữu cơ, rau bèo, các loại bột ngũ cốc. Nuôi cá Trôi Ấn Độ trong điều kiện tốt cá 1 tuổi đạt trọng lượng 0,8 - 1,2 kg. Cá Trôi Ấn Độ thích sống ở môi trường nước có nhiệt độ cao hơn cá Mrigall, cá Mè, Trắm cỏ (28 - 32oC), cần lượng oxy trung bình và độ pH trung tính (từ 6,5 - 8,5).

Cá Nheo, cá Chuối hoa: Là hai loài cá ăn mồi tươi sống, cá có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, giá bán dao động ở mức cao. Đây là hai loài cá thích hợp mô hình nuôi ghép trong ao cá nhiều cá tép tạp, khó xử lý. Riêng cá Chuối hoa có khả năng nuôi thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi trong ao, giai lưới hoặc trong bể.

Cá Trê: gồm có cá Trê đồng (Trê ta) và cá Trê lai, là loài cá ăn tạp, sống ở tầng đáy. Đặc biệt cá Trê lai có sức sống khỏe, có khả năng nuôi trong môi trường ao bể nhỏ, khó thay nước, cá tận dụng tốt các loại thức ăn, điển hình là xác chết động vật. Bên cạnh đó cá Trê đồng có chất lượng thịt thơm ngon, thời gian nuôi ngắn (từ 04 đến 06 tháng) đây là loài cá đang được nhiều hộ nuôi thả trong điều kiện ao nhỏ hoặc trong bể.

Cá Tầm, là loài cá nước lạnh đã được Trung tâm nuôi thử nghiệm và sản xuất cá giống trong vòng 5 năm qua tại cơ sở 2 (cơ sở Cấm Sơn). Cá sinh trưởng tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 18-24 oC. Hiện nay ngoài các tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên đang nuôi trong các hệ thống bể thì nhiều đơn vị đã nuôi cá Tầm trong lồng tại các hồ chứa và các sông như sông Lô ở Tuyên Quang, sông Thao ở Phú Thọ, sông Đuống ở Bắc Ninh… cho kết quả tốt.

Để đạt được hiệu quả kinh tế cao người nuôi dựa vào nhu cầu thị trường tiêu thụ, tính ăn, tầng nước sống của các loài cá để lựa chọn đối tượng cá giống, tỷ lệ và mật độ cho phù hợp.

Kết quả sản xuất giống thủy sản hàng năm của Trung tâm

Mỗi năm sản xuất từ 2- 3,5 triệu con cá Rô phi đơn tính giống; sản xuất, dịch vụ cung ứng cá bột cá hương, cá giống các loài: Chép lai, Trắm cỏ, Trắm đen, cá Mè, cá Trôi, cá Trê, cá Chim trắng… với sản lượng riêng cá giống đạt khoảng 180 tấn/năm.

Tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật tiếp nhận ương nuôi thành công các giống cá mới như: Chuối hoa, cá Lăng Chấm, cá Nheo xanh, cá Lăng đen (Nheo mỹ), cá Tầm.

Bên cạnh đó Trung tâm đang thử nghiệm và tiến hành sinh sản nhân tạo một số giống loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như Lươn đồng, Cua Da để đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bài: Hương Giang

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024