Hiệu quả mô hình trồng ngô ngọt ứng dụng công nghệ cao

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Cây ngô ngọt là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây người dân rất quan tâm mở rộng diện tích. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn manh mún và nhỏ lẻ, tình trạng được mùa mất giá, hay được giá mất mùa thường xuyên diễn ra. Nhằm giúp nông dân mạnh dạn đưa cây ngô ngọt vào sản xuất tập trung quy mô lớn gắn chuỗi liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Vụ Đông năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Tân Yên triển khai thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô ngọt ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Sau hơn hai tháng triển khai,  anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Chính Lan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên nhận thấy, từ khi đưa cây ngô ngọt SW 1011 vào trồng, cây sinh trưởng phát triển khỏe, thích ứng với điều kiện thời tiết thổ nhưỡng của địa phương, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, nhất là dễ trồng, dễ chăm sóc; cây ngô có bộ rễ chân kiềng to khỏe, vững chắc, chống rét tốt; có thời gian sinh trưởng từ 65- 70 ngày cho thu hoạch. Tỷ lệ ngô ra bắp đạt cao, có khối lượng trung bình từ 1-2 bắp/kg, hạt ngô màu vàng đẹp, hạt bóng, dày cùi, thẳng hàng, vị trí đóng bắp thấp, chất lượng ăn ngon mềm và ngọt. Điều quan trọng là năm nay là năm đầu tiên anh Thành tham gia vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, được ứng dụng công nghệ vào quá trình canh tác, từ khâu làm đất đến khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành,vừa tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá.

Anh Nguyễn Văn Đàn phấn khởi thu hoạch ngô ngọt

Anh Nguyễn Văn Tiến ở cùng thôn cho biết, gia đình có một mẫu ruộng trồng đủ các loại rau màu nhưng diện tích trồng ngô ngọt vẫn là chủ yếu. Năm nay, trước khi tham gia mô hình anh được cán bộ kỹ thuật tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền sản xuất theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gia đình anh đã mạnh dạn trồng hơn 5 ha. Bởi anh nhận thấy, khi có vai trò của Trung tâm Khuyến nông là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp nhất là việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngô ngọt ngay từ đầu vụ cho bà con nông dân sau khi thu hoạch.

Được biết, trong vụ này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật huyện Tân Yên và UBND xã Lan Giới triển khai mô hình sản xuất ngô ngọt với quy mô tập trung là 18 ha, gắn tiến bộ kỹ thuật với bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Trên thực tế hiện nay, vai trò quan trọng của liên kết sản xuất trong nông nghiệp thông qua HTX hay doanh nghiệp thì nông dân giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất do tất cả các khâu được áp dụng cơ giới hóa. Không chỉ vậy, nông dân được nâng cao trình độ sản xuất  qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, từ đó gắn kết giữa nông dân và nông dân, gắn kết giữa HTX và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, các hộ nông dân.

Theo anh Nguyễn Văn Đàn, hộ tham gia mô hình cho biết, nếu dùng theo cách phun thuốc bằng bình bơm tay không kịp thời diệt trừ được sâu bệnh hại, còn áp dụng phun thuốc bằng thiết bị bay có thể phun được từ 15-20 ha/ngày, vào những đợt sâu nở sẽ diệt trừ được toàn bộ sâu hại trên toàn bộ diện tích.

Các đại biểu tham quan mô hình tại buổi hội thảo đầu bờ

Mới đây, tại buổi hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đại biểu tham gia mô hình đã chia sẻ, mô hình sử dụng phân hữu cơ sinh học trong quá trình chăm sóc tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đất đai được cải tạo tốt hơn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, cây ngô phát triển cân đối. Đại biểu đánh giá, sử dụng thiết bị bay phun thuốc lượng thuốc trải đều hơn so với sử dụng bình bơm tay để phun thuốc, hiệu quả dập dịch nhanh, tiết kiệm thời gian quản lý dịch hại  cho người nông dân. Sử dụng máy bay để phun thuốc tiết kiệm được 47% giờ làm việc so với sử dụng bình đeo vai, không làm nát thân, lá cây trồng, đồng thời, giảm được 90% lượng nước dùng để pha với thuốc bảo vệ thực vật so với sử dụng bình đeo vai truyền thống. Đặc biệt, giảm công sức lao động cho người nông dân và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc cho con người do không phải tiếp xúc với thuốc.

Với sự liên kết giữa “4 nhà” đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất từng bước chuyển đổi nhận thức theo hướng hàng hóa, hình thành cách làm ăn hợp tác, tự nguyện cùng mục tiêu, tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sức khỏe, tạo động lực để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích là tiền đề để thực hiện các mô hình liên kết sản xuẩt ngô ngọt vào những năm tiếp theo.

Mô hình đã lựa chọn được vùng có điều kiện sản xuất tập trung, người dân có trình độ dân trí cao và định hướng các vùng đó sản xuất hàng hóa. Thêm vào đó, cũng lựa chọn được giống có năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương để đưa vào gieo trồng.

Ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, từ sự thành công của mô hình, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục nhân rộng mô hình thông qua việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo; tiếp tục xây dựng mô hình ở các địa phương khác. Trung tâm Khuyến nông sẽ kết nối với các doanh nghiệp, kết nối hỗ trợ các HTX để tổ chức sản xuất từ việc cung ứng giống, vật tư đầu vào đến khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất và nhất là việc thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với tiêu thụ sản phẩm có sử dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất ngô ngọt là cần thiết đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Mô hình đã giúp người nông dân đã tiếp cận với các thiết bị tiên tiến, thông minh, tiếp cận với quy trình sản xuất tiến bộ, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, giải quyết tốt tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ cập dập, khả năng kiểm soát và dập dịch tập trung trên diện rộng đem lại hiệu quả phòng trừ dịch bệnh hại cao.

Bài, ảnh: Trần Vĩnh

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024