Hiệu quả thiết thực trong chuyển đổi số nông nghiệp

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nói riêng đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, ủng hộ bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã khuyến khích các hộ nông dân thay đổi dần tập quán canh tác, áp dụng nhiều qua trình sản xuất mới, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ…

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các quy trình kỹ thuật máy móc thiết bị thông minh vào sản xuất được đại đa số các hộ nông dân hào hứng tiếp nhận như: thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh hại, bảo vệ sức khỏe con người…

Vụ Mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Việt Yên, Lạng Giang xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tự Lạn, huyện Việt Yên và xã Dương Đức huyện Lạng Giang, quy mô 34 ha, trong đó xã Tự Lạn thực hiện 24,5 ha với 150 hộ tham gia. Giống lúa gieo cấy tại mô hình xã Tự Lạn chủ yếu là TH8, chiếm 90% diện tích; còn lại là Khang dân 18, chiếm 10% diện tích. Thời gian gieo mạ từ ngày 20-25/6, cấy từ ngày 3-5/7, mật độ cấy 30-35 khóm/m2. 

Trong quá trình sản xuất, các hộ được cán bộ chuyên môn phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa thiết bị không người lái vào phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm đánh giá hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại bằng thiết bị bay không người lái ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau của cây. Ngoài ra, khi phát sinh sâu bệnh hại với mật độ thấp, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo các hộ tham gia mô hình chủ động phun phòng trừ bằng biện pháp phun bình truyền thống.

Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại thôn Râm, xã Tự Lạn

Tiền thuê máy bay là 782.000 đồng một lần phun cho 1ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 40%, tương đương 312.800 đồng, các hộ còn phải nộp 60%. Cùng với đó, Trung tâm còn hỗ trợ thêm phân hữu cơ vi sinh KOMIX 240kg/ha; phân NPK 20 - 12,16 - 8,18 180kg/ha; phân đạm Nitratbor 44kg/ha. Đồng thời, hỗ trợ người dân thuốc trừ sâu sinh học Reasgant 3.6EC, thuốc trừ bệnh Antracol 70WP.

Hiện nay, người dân đang cho thu hoạch, dự kiến sẽ cho năng suất cao. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năng suất thực thu của giống TH8 trong mô hình ước đạt 70 tạ/ha, tương đương 240kg/sào; giống Khang dân ước đạt 62 tạ/ha, tương đương 220kg/sào.

Hiệu quả mang lại khi thực hiện mô hình thể hiện rõ trong cả quá trình sản xuất, từ việc đảm bảo thời vụ gieo trồng, quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Cách làm này giảm được lượng giống lúa, giảm chi phí phân bón, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Nguyễn Văn Huân- Trưởng thôn Râm, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên phấn khởi cho biết, sau khi được Trung tâm KN tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai mô hình thôn đã thông báo, tổ chức họp dân và vận động các hộ trong thôn tham gia với tổng diện tích 24,5 ha gieo trồng tập trung chủ yếu bằng giống lúa TH8. Qua mô hình giúp bà con nắm bắt được quy trình cũng như lợi ích từ việc áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả rất cao do thuốc được phun rải dưới dạng xương mù nên bám đều trên thân và 2 mặt lá lúa.

Thêm vào đó, việc ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc trong sản xuất lúa Vietgap đã giúp người dân được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến, thông minh, quy trình sản xuất hiện đại. Từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. 

Ông Lê Hồng Giang - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các hộ dân về sản xuất lúa theo quy trình VietGap, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động trong nông nghiệp; tiết kiệm chi phí về thuốc, tiết kiệm lượng nước phun, giảm tiền công phun thuốc BVTV; tăng năng suất cây trồng;  đặc biệt bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường và phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Với những hiệu quả thiết thực trên đã khẳng định sự thành công của mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung tâm Khuyến nông đề nghị Sở Nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn chỉ đạo áp dụng máy bay phun thuốc vào sản xuất trên diện rộng. Các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền phổ biến để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Minh Tú

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024