HIỆU QUẢ TỪ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG VÙNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TẬP TRUNG

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2015 diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 12.200 ha sản lượng thủy sản ước đạt 32.000 tấn vượt 18,5 % so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (sản lượng thủy sản năm 2015 đạt 27.000 tấn). Tiếp tục là tỉnh đứng đầu trong số 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc về sản lượng thủy sản. Để sản xuất thủy sản tỉnh nhà phát triển nhanh trong những năm qua phải kể đến hiệu quả rất lớn từ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Thực hiện Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính thực hiện Chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn và Nghị quyết của Tỉnh uỷ về việc chuyển đổi một vạn ha cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; ngày 01/8/2002, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV ban hành Nghị quyết số 65/2002/NQ-HĐND15 về chính sách hỗ trợ tài chính thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn. UBND tỉnh đã có Quyết định số 159/QĐ-UB ngày 06/9/2002 về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn; Quyết định số 1196/QĐ-CT ngày 13/8/2004 về việc bổ sung chính sách thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến tận cơ sở để các huyện, xã và nhân dân biết thực hiện.

Nghị quyết số 65 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã được UBND các huyện, các xã và người dân trong vùng có điều kiện phát triển thuỷ sản tích cực hưởng ứng.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và đề nghị của UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng đã có tám dự án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2002 – 2008. Trong đó có thể kể đến một số dự á tiêu biểu như sau:

 

* Dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản thâm canh

- Dự án thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên: Từ quy mô hỗ trợ đầu tư ban đầu là 20 ha, hoàn thành đưa vào nuôi cá từ năm 2004. Đến nay người dân trong xã đã tích cực đầu tư chuyển đổi xây dụng hệ thống ao nuôi trồng thủy sản tạo thành vùng nuôi cá thâm canh tập trung với quy mô 80 ha. Năm 2006 đạt năng suất bình quân 8,5 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 85 triệu đồng/ha; năm 2014 năng suất nuôi bình quân đạt 11 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 225 triệu đồng/ha.

- Dự án xã Cao Thượng, huyện Tân Yên: Quy mô 20,6 ha, dự án đã hoàn thành và đưa vào nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm từ năm 2004. Đến nay dự án cũng được mở rộng với quy mô 35 ha nuôi cá thâm canh. Năm 2006 các ao nuôi trong vùng dự án đạt năng suất bình quân 8 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 80 triệu đồng/ha; năm 2014 năng suất nuôi bình quân đạt 10 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 215 triệu đồng/ha.

- Dự án xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang: Quy mô 35 ha, dự án đầu tư hoàn thành và đưa vào nuôi cá đầu năm 2007, đến nay Đại Lâm đã trở thành một vùng nuôi cá thâm canh tập trung lớn nhất huyện Lạng Giang.

 

* Dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản bán thâm canh

- Dự án nuôi trồng thủy sản xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà: Quy mô 79,2 ha, dự án đã chuyển đổi được 79,2 ha cấy lúa một vụ sang kết hợp một lúa + một cá. Đến nay nhiều diện tích đã tiếp tục được người dân đầu tư cải tạo thành ao nuôi cá thâm canh tập trung với năng suất nuôi bình quân đạt 8 tấn/ha.

 

- Dự án nuôi trồng thủy sản xã Việt Lập, huyện Tân Yên: Quy mô 18 ha, dự án đó chuyển đổi được 18 ha cấy một lúa một vụ sang nuôi cá. Hiện nay xã Việt Lập cũng hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản thâm canh với quy mô diện tích toàn xã trên 100 ha, là một trong số các xã có sản lượng thủy sản đạt trên 1.000 tấn/năm.

Xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung là một giải pháp quan trọng để phát triển thuỷ sản, một hình thức sản xuất kinh doanh nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thiết thực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

 

Toàn bộ 8 dự án giai đoạn 2002-2008 đầu tư đã chuyển đổi được trên 217 ha đất ruộng trũng hoang hoá hoặc cấy một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản; ngoài ra việc đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi như việc đắp các bờ bao, bờ ngăn, hệ thống kênh mương cấp thoát nước, hệ thống kè cống... vừa có tác dụng ngăn úng ngập bảo vệ sản xuất, vừa kết hợp làm đường giao thông nông thôn.

Thực tế cho thấy hầu hết các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt; Năm 2006, sản lượng ước đạt khoảng 1.000 tấn cá, giá trị ước đạt trên 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 350 người; Năm 2015 sản lượng thủy sản từ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ước đạt 2.500 tấn, giá trị đạt khoảng 65 tỷ đồng.

Kết quả trên đã khẳng định Nghị quyết số 65 năm 2002 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tài chính thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản là một chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực, góp phần tích cực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Từ hiệu quả ban đầu đem lại đã cho thấy việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung không những tạo động lực để phát triển sản xuất thủy sản nhanh, ổn định mà còn góp phần là tiền đề để xây dựng các mô hình sản xuất liên kết, sản xuất theo chuỗi, theo quy phạm Vietgap tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 trong đó có nội dung: “Đầu tư cho các dự án mới về phát triển hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở vùng ven biển và nội đồng, gồm các hạng mục chính: hệ thống thủy lợi đầu mối cấp I (cống, đê bao, kè, kênh cấp, kênh tiêu nước, trạm bơm), đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, khu xử lý nước thải…”

Phát huy tốt các kết quả đã đạt được và tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có trong những năm qua có hai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung được thực hiện tại xã Bắc Lũng huyện Lục Nam với quy mô 70 ha và tại Xuân Phú huyện Yên Dũng với quy mô 32 ha. Đến nay các dự án này đã cơ bản hoàn thành và bước đầu đi vào sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó có ba dự án tại các huyện Yên Dũng, Tân Yên và Lục Nam đã được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và UBDN tỉnh có báo cáo đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi thủy sản tập trung giai đoạn 2016 -2020. Cả ba dự án với tổng diện tích dự kiến đầu tư gần 200 ha sẽ tạo ra thêm bốn vùng nuôi thủy sản tập trung qua đó góp phần nâng cao năng suất sản lượng và giá trị của sản xuất xuất thủy sản trong những năm tới.

Có thể nói các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã và đang đem lại diện mạo mới cho sản xuất thủy sản của tỉnh Bắc Giang, hiệu quả rõ rệt từ các dự án sẽ tiếp tục là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng nâng cao giá trị  gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Trong đó lĩnh vực thủy sản có mục tiêu diện tích nuôi đạt 12.500 sản lượng thủy sản đạt 35.000 tấn.

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024