Hiệu quả từ công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bằng sự tập trung quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong tỉnh. Sau 05 năm triển khai thực hiện nông thôn Bắc Giang đã có bước chuyển tích cực rất rõ nét: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng phù hợp trong tình hình mới; Sản xuất nông nghiệp được ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn khang trang, hiện đại hơn. Hết năm 2015, tỉnh Bắc Giang không còn xã đạt dưới 05 tiêu chí, có nhiều xã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới song tỉnh Bắc Giang, tiến hành công nhận cho 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục quan điểm làm đến đâu chắc đến đó, hết năm 2016 toàn tỉnh phấn đấu có khoảng 48 xã đạt chuẩn, đến năm 2020 có khoảng 40% số xã đạt nông thôn mới và có từ 1-2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể làm tốt các công tác triển khai Chương trình, trong đó công tác dân vận để tuyên tuyền, vận động tạo sự đồng thuận trong tư duy, nhận thức của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân có ý nghĩ vô cùng quan trọng, được ví như chiếc chìa khóa để từng bước cụ thể hóa các nội dung tiếp theo.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, sau khi nghiên cứu, trao đổi với cơ quan thường trực BCĐ xây dựng NTM tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT), Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn Ban Dân vận các huyện, thành uỷ tham mưu cho Thường trực huyện ủy, thành uỷ ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể: 07/10 ban dân vận huyện ủy, thành uỷ ban hành các kế hoạch, hướng dẫn khối dân vận cơ sở xây dựng mô hình "Dân vận khéo" tại các xã xây dựng nông thôn mới; 03/10 ban dân vận huyện uỷ tham mưu cho huyện uỷ ban hành nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo xây dựng các mô hình "Dân vận khéo". Khối dân vận các xã cũng đã kịp thời tham mưu cho đảng uỷ ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các tổ dân vận thực hiện công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức quán triệt, triển khai nội dung công tác dân vận xây dựng mô hình "Dân vận khéo" thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua các hội nghị của các chi bộ thôn, các chi đoàn, chi hội của các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng, câu lạc bộ, tổ liên gia tự quản, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ… Từ đó đã cổ vũ nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể.

Các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chú trọng tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân đã có nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới; phấn khởi và xác định vai trò chủ thể, trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm hàng đầu. Nhân dân đã được tham gia đóng góp vào các bản quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án xây dựng nông thôn mới trong quá trình thực hiện ưu tiên xây dựng những công trình do người dân đóng góp và trực tiếp hưởng lợi; củng cố kiện toàn các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng để giám sát hoạt động xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, nhất là việc xây dựng các công trình trên địa bàn thôn, xã; nhiều địa phương, cơ sở đã làm tốt việc tổ chức cho nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Những công trình xây dựng ở địa phương đều được thảo luận dân chủ, nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí; công tác thanh toán, quyết toán được thực hiện công khai, kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương.

Có thể khẳng định, nhờ làm tốt công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp, các ngành, từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, bổ sung những kinh nghiệm quý cho công tác vận động quần chúng nói chung, và vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nói riêng. Tính đến hết tháng 9/2015 toàn tỉnh đã có 4.838 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực kinh tế: 1.409 mô hình, chiếm 29,2%; văn hoá- xã hội: 1.391 mô hình, chiếm 28,8%; lĩnh vực quốc phòng - an ninh: 759 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị: 331 mô hình và các lĩnh vực khác 948 mô hình.

Thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo" và QCDC ở cơ sở đã góp phần huy động các nguồn lực trong nhân dân và tổ chức, hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thông qua các mô hình "Dân vận khéo" đã vận động các tập thể, cá nhân đã tự nguyện đóng góp tiền mặt, phá dỡ tường rào, góp ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.

Để công tác dân vận tiếp tục đi vào chiều sâu nhận thức, từ đó chuyển biến thành nhiều hành động thiết thực rất cần sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở để tiếp tục lãnh đạo, đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân những nội dung cơ bản về xây dựng nông thôn mới. Với phương châm mưa dầm thấm lâu, đến từng ngõ, gõ từng nhà, từ đó tạo sự đồng thuận của xã hội, của nhân dân nơi triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, phát hiện những vấn đề nhân dân quan tâm, những khó khăn bức thiết trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chương trình phối hợp với chính quyền và các ngành có liên quan để nâng cao chất lượng các cuộc vận động, huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới… Chỉ có như vậy, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới sẽ trở nên ý nghĩa và thiết thực, gần dân nhất.

 

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024