Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi ứng dụng công nghệ biofloc

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa triển khai mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 2ha tại hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, đến nay mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so vớinuôi thông thường.

Tham gia mô hình các hộ được Nhà nước hỗ trợ 70% giá giống và 40% vật tư (gồm thức ăn, chế phẩm sinh học, rỉ đường) và được tập huấn kỹ thuật.  Khi thu hoạch trên 80% sản phẩm của mô hình được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết.

Mô hình cá rô phi ứng dụng công nghệ Biofloc

Nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc là giải pháp cho phép các chất thải hữu cơ và quần thể vi sinh vật tồn tại trong ao nuôi thông qua quá trình xáo trộn nước và sục khí để duy trì sự hiện diện của các hạt floc, chất lượng nước được đảm bảo, đồng thời Biofloc làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho cá nuôi.Thực tế các ao nuôi theo công nghệ Biofloc cá lớn nhanh hơn, sức đề kháng bệnh tốt và tốn ít thức ăn hơn. Công nghệ Biofloc được coi là một trong những công nghệ mới, mang tính đột phá trong nuôi thủy sản nói chung và cá rô phi nói riêng. 

Theo kết quả đánh giá, sau 7 tháng nuôi, cá sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 74%, trọng lượng trung bình 850g/con, sản lượng  62,8 tấn, đạt năng suất 31,4 tấn/ha, thu được hơn 879 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí thu lãi trên 41,5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ biofloc nuôi cá rô phi thâm canh sẽ  hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ giảm chi phí thức ăn. Do ít thay nước trong quá trình nuôi, Biofloc góp phần gia tăng tính an toàn sinh học vì hạn chế sự lây lan của vi sinh vật từ môi trường nước cấp vào ao nuôi. Nếu so sánh với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì mô hình nuôi cá rô phi ứng dụng công nghệ biofloc hiệu quả kinh tế cao hơn 15%.

Từ thực tế cho thấy, mô hình giúp người nuôi tiếp cận với hình thức nuôi mới và nhận thức được những lợi ích thiết thực như giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, thời gian nuôi ngắn hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, tạo ra sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bền vững.

Kim Lan- Trung tâm KN Bắc Giang

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024