Hỗ trợ từ 20 đến 55 triệu đồng/ha khi tham gia trồng rừng gỗ lớn

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Tổ chức, cá nhân sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế khi tham gia trồng rừng gỗ lớn sẽ được hỗ trợ từ 20 đến 55 triệu đồng/ha tùy từng loại cây trồng.

HĐND tỉnh Bắc Giang mới ban hành Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND tỉnh ngày 14/7/2023 Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ sản xuất giống phục vục phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, hỗ trợ 20 triệu đồng/ha để thực hiện trồng cây sinh trưởng nhanh nhưng không quá 1.000 triệu đồng/tổ chức, cá nhân (trừ các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng), hỗ trợ được chia làm 3 đợt: Đợt 1 hỗ trợ 5 triệu đồng/ha vào năm 1; đợt 2 hỗ trợ 10 triệu đồng/ha vào năm 5; đợt 3 hỗ trợ 5 triệu đồng/ha vào năm thứ 9.

Hỗ trợ 55 triệu đồng/ha để thực hiện trồng các loài cây sinh trưởng chậm, được chia làm 3 đợt: Đợt 1 hỗ trợ 20 triệu đồng/ha vào năm 1; đợt 2 hỗ trợ 20 triệu đồng/ha vào năm thứ 5; đợt 3 hỗ trợ 15 triệu đồng/ha vào năm thứ 10.

Hỗ trợ 1 lần kinh phí cho công tác khảo sát, thiết kế lập hồ sơ dự toán với mức 01 triệu đồng/ha.

Rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Sơn Động

Để được hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện như phù hợp với quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định giao rừng của cấp có thẩm quyền. Có hồ sơ thiết kế - dự toán trồng rừng gỗ lớn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 10ha trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh (keo) và 5 ha trở lên đối với cây sinh trưởng chậm (Giổi, Sồi phảng, Vù hương, Trám trắng, Lát hoa, Mỡ, Xoan đào, Chò nâu, Chò chỉ, Lim xanh, Táu, Sưa trắng, Xoan nhừ, Re, Sao đen, Xoan ta, các loại Dẻ, Lát Mexico, Thông Caribe, Thông nhựa, Thông mã vĩ, Gáo trắng, Trám đen, Vối thuốc, Thông ba lá, Thanh thất, Đàn hương).

Thời gian tối thiểu để khai thác rừng là 10 năm đối với loài cây sinh trưởng nhanh, 15 năm đối với loài cây sinh trưởng chậm kể từ thời điểm trồng.

Nghị quyết cũng quy định trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện theo đúng cam kết thì phải hoàn trả lại 100% kinh phí Nhà nước hỗ trợ. UBND cấp huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm thu hồi nộp hoàn trả lại ngân sách tỉnh.

Bắc Giang là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, hơn 160 nghìn ha, chiếm khoảng 41,2% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp cho phát triển kinh tế của tỉnh còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiêm năng, chỉ chiếm khoảng 5,4% cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, chưa tương xứng với tiềm năng.

Cụ thể hóa Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn để đến năm 2025 toàn tỉnh có 20% diện tích rừng thâm canh gỗ lớn. Kế hoạch được ban hành là điều kiện để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh.

Chi tiết xem tại văn bản kèm theo./.

Ngọc Thọ

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024