Hội nghị toàn quốc Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 17/7/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang đồng chí Hà Minh Quý – Phó Giám đốc tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới và lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu ủa cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Chương trình đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn: Hạ tầng KTXH tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4%, giảm 1,7% so với năm 2020; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36% (cao nhất trong những năm gần đây); môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.

Kết quả đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 04 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 07 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đối với tỉnh Bắc Giang đã có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 148/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 81,3% tổng số xã, 43 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu và gần 250 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP (31 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao), đặc biệt tỉnh cũng đã có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia, 01 sản phẩm điểm du lịch (thu hút 5.000 lượt khách/tháng). Các chương trình chuyên đề cũng đang được tỉnh phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện. Tập trung triển khai nhiệm vụ đến năm 2025, Bắc Giang phấn đấu có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 huyện nông thôn mới nâng cao, khoảng 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 78 xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Nội dung thảo luận Hội nghị, đại diện tỉnh Bắc Giang, đồng chí Hà Minh Quý – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các nội dung:

Sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, theo hướng: Các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn xã nông thôn mới tiếp tục thụ hưởng chính sách hỗ trợ đến hết năm 2025 tạo điều kiện cho các xã có nguồn lực duy trì các tiêu chí đã đạt (thực tế nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 đã thông báo cho các xã, nếu hoàn thành sớm hơn kế hoạch thì các năm sau sẽ không được tiếp tục bố trí vốn, trong khi chương trình MTQG xây dựng NTM cũng không thể hỗ trợ các xã do đã phân bổ cho các xã khác; bên cạnh đó các xã đặc biệt khó khăn đều ở khu vực miền núi, hiện nay người dân đang hưởng mức khoán bảo vệ rừng 400 nghìn đồng/ha/năm, với mức khoán này đã quá thấp, nay không thuộc khu vực III mức khoán còn 300 nghìn đồng/ha/năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân và công tác bảo vệ rừng thời gian tới).

Sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới cấp xã, huyện theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện thời gian tới.

Sớm xây dựng phương án tham mưu trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tổng kết thực hiện giai đoạn 2021-2025, xây dựng chương trình giai đoạn 2026-2030 để chủ động hơn trong việc ban hành cơ chế chính sách thực hiện Chương trình (thực tế giai đoạn 2021-2025, đến năm 2023 một số Bộ, ngành Trung ương vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, trong khi chỉ còn 2 năm nữa để triển khai thực hiện ciện Chương trình).

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trong quá trình đánh giá, xét, công nhận chỉ tiêu 7.5 (Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó tỷ lệ đấy trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu) của tiêu chí 7 (Môi trường) tại Phụ lục I Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (kèm theo Quyết định 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022) theo tình hình thực tế đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động trước khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành hướng dẫn quy định về mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình (theo Điều 9, Thông tư  số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính) làm căn cứ để các địa phương tổ chức thực hiện.

Đề nghị Bộ Y tế sớm chỉ đạo việc tiếp tục hay tạm dừng công tác thực hiện đối với các chỉ tiêu 14.2 (Tỷ lệ dân số được quản lý sức khoẻ), 14.3 (Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa) và 14.4 (Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

Nguyễn Thị Ngát – Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024