Hội thảo nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Giang, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cùng 100 nông dân trong tỉnh.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông triển khai Dự án liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm với 02 hộ tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên. Đến nay, qua thời gian nuôi khoảng 5 tháng, cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 75%, trọng lượng trung bình đạt 860g/con, sản lượng đạt trên 20 tấn/ha/vụ, tăng hơn 10 tấn/ha so với nuôi thường, hiệu quả kinh tế tăng 15-20%…Mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp người chăn nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực như giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, ông Dương Văn Luông - Chi cục Thủy Sản cho biết, tỉnh Bắc Giang có tiềm năng phát triển thủy sản rất lớn, nhờ chủ trương, chính sách phù hợp và tiềm năng mặt nước, những năm gần đây, sản xuất thuỷ sản của tỉnh phát triển mạnh. Đến năm 2020 diện tích nuôi thủy sản đạt 12,5 nghìn ha, sản lượng đạt gần 48 nghìn tấn, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Một số huyện đã hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung, sản xuất hàng hóa như huyện Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Trong thời gian tới, cần đầu tư các nguồn lực để phát triển cá rô phi trở thành sản phẩm chủ lực trong ngành thủy sản của tỉnh. Phát triển sản xuất cá rô phi phải gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm,…

Hội thảo là cơ hội cho bà con tiếp cận, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp các hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực thủy sản. Tại đây, có 17 ý kiến thảo luận, trao đổi của bà con nông dân xoay quanh kỹ thuật nuôi, chất lượng con giống; quản lý môi trường dịch bệnh; chăm sóc, quản lý thức ăn cho cá; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và áp dụng công nghệ Biofloc. Toàn bộ các câu hỏi đều được các cơ quan chuyên môn giải đáp thỏa đáng, đáp ứng nguyện vọng của người nuôi thủy sản.

Thực tế các ao nuôi có nhiều Biofloc cá lớn nhanh hơn, sức đề kháng mầm bệnh tốt hơn, tốn ít thức ăn công nghiệp. Công nghệ Biofloc được coi là một trong những công nghệ mới, mang tính đột phá trong nuôi thủy sản nói chung và cá rô phi nói riêng. 

Kết luận Hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao hiệu quả Dự án đạt được, qua đó đề nghị, các cơ quan thủy sản Bắc Giang và đơn vị chuyển giao con giống, kỹ thuật… cần tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, an toàn thực phẩm gắn với tập huấn, đào tạo, thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu và làm theo; Trung tâm Khuyến nông phải đóng vai trò là cầu nối gắn kết bà con với khoa học, công nghệ; tổ chức sản xuất theo chuỗi, loại bỏ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ; kết nối người sản xuất với thị trường để có đầu ra bền vững, đem lại hiệu quả cao. Đối với bà con, trước khi đưa cá vào thâm canh cần tham quan, học hỏi mô hình hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ ao nuôi, nguồn vốn và kỹ thuật; thực hiện từ mô hình nhỏ đến lớn, đơn giản đến phức tạp; ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm; Chủ động, sáng tạo và có khát vọng làm giàu.

Trần Vĩnh

Trung tâm Khuyến nông

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024