HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ LÚA CỎ

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Lúa cỏ (còn gọi là lúa ma, lúa trời, lúa hoang) có tên khoa học Oryza Rufipogon bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ vụ Mùa 2023. Đây là đối tượng dịch hại nguy hiểm, khó phòng trừ và có khả năng lây lan rất nhanh, xuất hiện chủ yếu trên các diện tích lúa gieo sạ, những vùng nông dân có tập quán sử dụng giống lúa tự để từ vụ trước.

Trước tình hình đó, để quản lý tốt đối tượng này nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm, lây lan và gây hại trên các trà lúa. Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng trừ lúa cỏ gây hại, như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI CỦA LÚA CỎ

1. Đặc điểm hình thái và sinh trưởng của lúa cỏ

Lúa cỏ có đặc điểm rất giống lúa thường, giai đoạn đầu lúa cỏ sinh trưởng nhanh, trong ruộng lúa bị nhiễm lúa cỏ thì sau 40 - 50 ngày gieo trồng trên ruộng lúa xuất hiện lúa nhiều tầng, lá lúa cỏ dài và hẹp bề ngang hơn lúa thường.

Lúa cỏ trỗ bông sớm hơn lúa thường 5-7 ngày, thời gian trỗ kéo dài, chín không đều, hạt thóc có râu dài hoặc không có râu (hạt lúa cỏ dễ dàng phát tán nhanh nhờ gió hoặc nước), khi chín rất dễ rụng, sau khi hạt rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi thì nảy mầm luôn, nếu gặp điều kiện bất thuận thì hạt lúa cỏ sẽ ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cao, duy trì sức nảy mầm trong vài năm, do vậy lúa cỏ tồn tại, tích tụ và tăng dần qua các vụ sản xuất.

 2. Đặc điểm gây hại của lúa cỏ

Lúa cỏ có khả năng lây lan rất nhanh lấn át lúa thường và rất khó phòng trừ. Lúa cỏ sinh trưởng, phát triển rất mạnh, đồng thời cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng và ánh sáng với lúa thường từ đó làm giảm năng suất của lúa thường hoặc có thể gây thất thu năng suất từ 30-40%, thậm chí mất trắng, đồng thời sẽ lây nhiễm càng nặng cho những vụ lúa tiếp theo.

Hình ảnh lúa cỏ gây hại

3. Nguyên nhân lúa cỏ xuất hiện và lan rộng

Nguyên nhân chính khiến lúa cỏ xuất hiện và lây lan ngày càng nhiều là do sử dụng giống lúa không đảm bảo chất lượng để gieo cấy như:

- Sử dụng hạt giống bị lẫn lúa cỏ, khi vận chuyển giống từ các tỉnh có lúa cỏ đến các tỉnh khác sẽ làm lây lan khi gieo trồng.

- Việc người dân tự để giống lúa, nhất là sử dụng giống trong vùng đã nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau làm gia tăng lúa cỏ trên đồng ruộng.

- Hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán nhờ nguồn nước, gió, nhờ chim hoặc theo máy móc, nông cụ (máy làm đất, máy gặt,…) từ ruộng này sang ruộng khác, nơi này sang nơi khác. Do thời gian chuyển vụ ngắn (vụ xuân sang vụ mùa) nên không xử lý triệt để được tàn dư thực vật của vụ trước trong đó có hạt lúa cỏ.

II. CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ LÚA CỎ

Lúa cỏ thường rất khó tiêu diệt, chi phí phòng trừ rất cao; nên cần áp dụng tổng hợp các biện pháp và thực hiện liên tục trong một số vụ sản xuất mới đạt hiệu quả.

1. Biện pháp canh tác

a. Sử dụng giống tốt: Sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, tuyệt đối không sử dụng giống lúa tự để giống ở những vùng, những ruộng bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước gieo cấy cho vụ sau. Áp dụng xử lý hạt giống trước khi gieo, xử lý bằng nước ấm (3 sôi, 2 lạnh) để loại bỏ hạt lép, lửng (hạt lúa cỏ nhẹ hơn sẽ nổi lên) để loại bỏ nếu bị lẫn.

b. Chuyển đổi phương pháp canh tác: Đối với vùng đã bị nhiễm lúa cỏ; nên chuyển từ phương pháp gieo sạ sang phương pháp sử dụng mạ ném hoặc cấy. Áp dụng luân canh cây trồng theo phương thức lúa - màu (đặc biệt là cây họ đậu như đậu nành, đậu xanh, lạc…) có thể giúp cây lúa cỏ phát triển rồi tiêu diệt bằng cơ học hay nếu cần thì dùng thuốc trừ cỏ chọn lọc tiêu diệt trực tiếp lúa cỏ.

c. Vệ sinh đồng ruộng, kênh mương và làm đất:

- Vệ sinh đồng ruộng và kênh mương sạch sẽ trước khi gieo cấy; làm đất kỹ và  bằng phẳng: Biện pháp này nhằm vùi sâu hạt lúa cỏ vào đất, không tiếp xúc được với ánh sáng, hạt lúa cỏ sẽ khó nảy mầm và giúp lúa thường mọc đều, sinh trưởng và phát triển nhanh sẽ tạo tán che phủ làm giảm khả năng mọc và phát triển của lúa cỏ.

- Áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI để gieo, cấy với mật độ vừa phải, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện lúa cỏ cần nhổ bỏ đem đi tiêu hủy vào các giai đoạn mạ - đẻ nhánh.

- Những diện tích bị nhiễm nặng lúa cỏ (>70%) không cho thu hoạch cần tiến hành cắt, tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa hoặc làm thức ăn cho gia súc tránh để hạt lúa cỏ rơi rụng trên ruộng (Lưu ý: nơi thu gom, tập kết đảm bảo xa diện tích cấy lúa, không rụng hạt lúa cỏ trên đồng ruộng, tránh để lúa cỏ trên bờ ruộng, mương máng) và đưa nước vào sau đó tiến hành cày lật gốc, sử dụng các chế phẩm vi sinh để phân hủy nhanh phế phụ phẩm tại đồng ruộng, kết hợp ngâm dầm cho thối gốc rạ, hạt lúa cỏ, không để gốc lúa cỏ tái sinh trở lại.

- Vệ sinh máy gặt sạch sẽ trước khi xuống gặt để tránh lây lan hạt lúa cỏ từ vùng bị nhiễm lúa cỏ sang vùng không bị nhiễm lúa cỏ.

d. Đảm bảo chế độ nước: Trong ruộng lúa luôn giữ nước sẽ hạn chế lúa cỏ mọc.

2. Biện pháp thủ công

Đối với ruộng lúa xuất hiện lúa cỏ cần phải nhổ bỏ lúa cỏ bằng tay, thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp khi chưa chín đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan sang vụ sau.

Thăm đồng thường xuyên để tiến hành nhổ bỏ, khử lẫn lúa cỏ kịp thời vào các thời điểm lúa hồi xanh đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông và sắp thu hoạch (tiến hành trước khi lúa cỏ chín sẽ hạn chế được hạt lúa cỏ rụng xuống đất lây lan vụ sau).

Chú ý: Nhổ bỏ, khử lẫn, tiêu hủy triệt để lúa cỏ, không được để lúa cỏ trên ruộng, bờ ruộng, kênh mương.

3. Biện pháp hoá học

Những nơi đủ điều kiện thì điều tiết độ ẩm nhử cho lúa cỏ mọc, sau đó sử dụng thuốc trừ cỏ chọn lọc để tiêu diệt lúa cỏ (tiến hành trước khi làm đất) hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (có thể tiêu diệt hạt lúa cỏ chưa mọc) trước khi gieo sạ 7-10 ngày.

Lương Văn Tịnh

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024