Kiểm lâm Bắc Giang ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhận dạng động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã triển khai “Ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhận dạng động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã trong hoạt động xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, qua đó giúp nhận dạng nhanh các loài động vật hoang dã để làm căn cứ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

          Trước đây việc nhận dạng các loài động vật và sản phẩm từ động vật phụ thuộc rất nhiều các chuyên gia hoặc có thể nhận dạng thông qua một số cuốn sách về nhận dạng nhanh các loài động vật như: Nhận dạng các loài chim ở Thái Lan và Đông Nam Á; Nhận dạng các loài thú Đông Nam Á; Các loài thú lớn của Thái Lan; Hướng dẫn nhận dạng các loài thú ở Bắc Mỹ... Tuy nhiên, việc sử dụng những cuốn sách này đòi hỏi người dùng phải có chuyên môn nhất định. Hơn nữa, không phải lúc nào những cuốn sách này cũng được mang theo bên người.

Mỗi khi có vụ việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã, cán bộ kiểm lâm phải tổ chức bắt giữ tang vật, phương tiện vi phạm rồi tiến hành xác minh động vật đó thuộc loài nào, họ gì, sản phẩm gì? Sau khi xác định chính xác loài động vật hoang dã thì mới xây dựng được phương án xử lý theo quy định của pháp luật. Để xác minh chính xác đó là loài động vật gì, sản phẩm của động vật hoang dã nào, cán bộ kiểm lâm phải mang động vật hoang dã hay sản phẩm của động vật hoang dã đó đến các cơ sở khoa học, cơ quan chuyên ngành để giám định. Việc này mất nhiều thời gian, có khi cả tháng mới có kết quả, ngoài ra còn phải thêm chi phí giám định, chi phí đi lại…

Hình ảnh, đặc điểm nhận dạng loài Khỉ đuôi lợn

Chính vì những lý do trên, “Ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhận dạng động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã trong hoạt động xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” là rất thiết thực và cần thiết. 

Công nghệ hỗ trợ nhận dạng động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã là công cụ định dạng loài, được thiết kế thân thiện dưới dạng website do Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) phát triển. Đây là một phương tiện hỗ trợ hiệu quả và lý tưởng cho công tác thực thi pháp luật đối với tội phạm về động vật hoang dã. Mọi dữ liệu của công cụ được lưu trữ online nên rất dễ dàng tiếp cận và tra cứu để nhận dạng chính xác các loài động vật hoang dã thường bị buôn bán trái phép. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ việc liên hệ với các chuyên gia, cơ quan khoa học trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và các tài liệu, văn bản pháp luật, hình ảnh, video liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã.

Hình ảnh, đặc điểm nhận dạng Chim Yểng

Hiện tại, cơ sở dữ liệu của ứng dụng chứa thông tin mô tả nhận dạng của hơn 200 loài động vật hoang dã và 12 nhóm sản phẩm động vật hoang dã thường bị buôn bán trái pháp luật tại Việt Nam. Thông qua ứng dụng này, từ đầu năm đến nay lực lượng kiểm lâm Bắc Giang đã thực hiện nhận dạng được 11 cá thể động vật rừng (1 cá thể trăn gấm, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 4 cá thể khỉ đuôi lợn, 4 cá thể khỉ mặt đỏ và 1 cá thể chim yểng). Trong đó, 09 cá thể động vật rừng được nhận dạng do người dân tự nguyện trao trả cho nhà nước và 02 cá thể động vật rừng trong 02 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng và mua bán vận chuyển động vật rừng trái pháp luật. Từ đó giúp lực lượng kiểm lâm nhanh chóng tham mưu, xử lý vi phạm đúng theo quy định.

        Qua đó, Góp phần bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã không bị buôn bán trái phép, tạo cơ sở cho động vật hoang dã sinh trưởng phát triển, đa dang, phong phú hơn, bảo tồn được đa dạng sinh học các loài động vật hoang dã, nhất là việc bảo vệ đối với nguồn gen các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, các loài ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, giúp nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý bảo vệ động vật hoang dã; tăng tính tính răn đe, phòng ngừa vi phạm chung trong nhân dân; thúc đẩy người dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phạm Văn Thuyên

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024