Lạng Giang: Giúp nông dân có thêm lựa chọn phân bón chất lượng cho cây trồng

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Vụ mùa năm 2023, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Bình Điền - Ninh Bình và UBND xã Tân Thanh triển khai mô hình "khảo sát, đánh giá một số phân bón của Công ty cổ phần Bình Điền Ninh Bình”, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Từ đó, có cơ sở đánh giá tổng kết, lựa chọn loại phân bón phù hợp, có ưu thế tốt để tuyên truyền khuyến cáo cho nông dân tiếp thu, áp dụng vào sản xuất góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng lúa của huyện Lạng Giang. Mô hình được thực hiện với quy mô 10 sào Bắc bộ; thực hiện 2 công thức, mỗi công thức 5 sào, tại thôn Sàn, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, trên giống KD18 và giống ĐH102; phương thức gieo cấy mạ ném khay.

Cụ thể, công thức 1: Phân bón đầu trâu NPK 20-3-4, 13kg/sào và 2kg Đạm Plus HĐ (bón lót + thúc 1 của Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình). Bón lót 7,0kg; bón thúc đẻ nhánh 6,0kg + 2kg Đạm Plus HĐ.

Công thức 2: Phân bón đầu trâu NPK 16-8-8-TE, 13kg/sào và 2kg Đạm Plus HĐ (bón lót + thúc 1 của Công ty cổ phần Bình Điền - Ninh Bình). Bón lót 7,0 kg; bón thúc đẻ nhánh 6,0kg + 2kg Đạm Plus HĐ

Đối chứng, ruộng bón phân theo cách bón truyền thống của người dân. Phân đạm, 9kg/sào; phân lân 18,0 kg/sào; phân Kali: 8 kg/sào.  Bón lót, lân 18,0 kg + đạm 2 kg; bón thúc đẻ nhánh, đạm 7,0 kg + 4,0 kg Kali; bón đón đòng 4 kg Kali.

Qua theo dõi của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang, áp dụng các công thức bón phân của Công ty cổ phần Bình Điền, cây lúa được bón sớm, đầy đủ dinh dưỡng kịp thời nên cây lúa đẻ sớm, số dảnh tối đa nhiều (13-14 dảnh/khóm), trong khi đó công thức đối chứng 12 dảnh/khóm; tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao (78-79%), đối chứng đạt 75%. Hai công thức bón phân trên đều có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với ruộng đối chứng 1 ngày.

Sử dụng phân bón mới, nông dân phấn khởi năng suất lúa đạt cao

Các chỉ tiêu theo dõi giữa các công thức cơ bản không có sự sai khác, riêng chỉ tiêu màu sắc lá thì có sự khác biệt rõ rệt, các công thức bón phân đầu trâu của Công ty Bình Điền Ninh Bình có màu xanh đến xanh vàng, công thức đối chứng có màu xanh đậm và mướt.

Vụ Mùa năm 2023, sâu bệnh hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ trên lúa. Sâu non của sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 gây hại nặng cục bộ trên các diện tích lúa, mật độ sâu cao, lứa sâu nở kéo dài đã gây khó khăn trong công tác chỉ đạo phòng trừ. Qua theo dõi tình hình sâu bệnh cho thấy, các công thức tham gia thí nghiệm đều bị nhiễm sâu cuốn lá với mức độ gây hại nặng (80-82 con/m2), ruộng đối chứng bị nhiễm nặng hơn (100con/m2). Các diện tích tham gia đánh giá đã được chỉ đạo phun phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Tuy nhiên, ruộng đối chứng nhiễm sâu cuốn lá và bệnh khô vằn ở mức độ cao hơn so với ruộng thí nghiệm. Nguyên nhân là do người dân bón phân chưa cân đối, thừa đạm, lá xanh mướt dẫn đến nhiễm nặng hơn, nông dân đã phòng trừ kịp thời (đối tượng sâu cuốn lá nhỏ lúa 6 trưởng thành ra kéo dài với mật độ cao nên cả mô hình và đối chứng đều phun kép 02 lần).

Chị Phan Thị Dung, cán bộ chỉ đạo mô hình cho biết, đến nay các hộ dân trong mô hình đã tiến hành thu hoạch lúa. Theo tính toán, năng suất thống kê, ruộng bón phân theo công thức 1(CT1) và công thức 2 (CT2) có năng suất cao hơn so với công thức đối chứng từ 5,4-10,2 tạ/ha (tương đương 19,3-36,5kg/sào).

Cụ thể, ruộng bón theo công thức 2 đạt năng suất cao nhất 65,6 tạ/ha (tương đương 236,1 kg/sào); tiếp đến là công thức 1, năng suất đạt 60,8 tạ/ha (tương đương 232,5 kg/sào); ruộng bón phân theo công thức đối chứng có năng suất thấp nhất 55,4 tạ/ha (tương đương với 199,6 kg/sào).

Qua thực hiện mô hình khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của một số loại phân bón đến sự sinh trưởng, phát triển và các yếu tố cấu thành của cây lúa, sở dĩ đem lại kết quả tốt là do cả 2 công thức (CT1 và CT2)  có thêm Eco - nanomic với công nghệ nano có tính chất enzym xúc tác quá trình phản ứng. Các nano oxide kim loại có tính quang xúc tác làm tăng hiệu suất quang hợp từ đó tăng khả năng sinh khối trong cây trồng, giảm số lần bón và lượng phân bón, giảm phát thải khí C02 và tăng hiệu suất phân bón cho cây trồng. Cây lúa trên ruộng bón phân khảo sát có thêm Eco – nanomic đã thể hiện được một số các chỉ tiêu về sinh trưởng phát triển (đẻ khỏe, đẻ tập trung, cứng cây, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt màu vàng sáng hơn) và sự chống chịu với một số đối tượng sinh vật hại chính khá hơn với cây lúa trên ruộng bón phân theo cách bón phân đơn thông thường của địa phương.

Ông Dương Văn Quyết- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên Trung tâm triển khai mô hình "khảo sát, đánh giá một số phân bón của công ty cổ phần Bình điền Ninh Bình”, đem lại kết quả khả quan, đặc biệt là bón phân theo công thức 2 của Công ty. Để có đánh giá khách quan, cần tiếp tục triển khai trong các vụ tiếp theo và trên các vùng sinh thái, chân đất khác để theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, chính xác hơn để có thể kết luận đưa ra được những loại phân bón phù hợp với từng vùng, từng chân đất từ đó khuyến cáo cho người dân sử dụng để khai thác tốt nhất tiềm năng năng suất và chất lượng của cây trồng. Đồng thời, cần tiến hành khảo nghiệm trên các đối tượng cây trồng khác để nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững.

Hương Giang- TT Khuyến nông

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024