Lục Nam: Sạt lở bờ bãi sông khu vực K14+100 đê hữu Lục Nam

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Thời gian gần đây, bờ, bãi sông khu vực K14+100 đê hữu Lục Nam, huyện Lục Nam đang có diễn biến sạt lở, đe dọa an toàn đê. Khu vực sạt lở bờ sông K14+100 đê hữu Lục Nam thuộc địa bàn xã Yên Sơn, huyện Lục Nam.

Hiện trạng mặt đê có cao trình trung bình +8.30 m, mái đê phía sông đã được gia cố kè đá hộc, bãi sông rộng trung bình 60 m, cao trình bãi trung bình +3.10, chênh lệch giữa lòng sông và mặt bãi từ (7-10) m, bề rộng lòng sông vào mùa kiệt rộng trung bình khoảng 140 m, phía bờ tả không có đê. Bãi sông khu vực K14+100 đê hữu Lục Nam, thuộc địa bàn xã Yên Sơn, huyện Lục Nam đã xẩy ra sự cố sạt lở từ tháng 03/2018, chiều dài cung sạt 35,0 m, ăn sâu vào bãi khoảng 7,0 m, đỉnh cung sạt cách chân kè đồng thời là chân đê 45,0 m. Qua công tác tuần tra kiểm tra đê, Hạt QLĐ Yên Dũng (quản lý tuyến đê địa bàn Lục Nam) đã phát hiện sự cố trên đang có diễn biến phát triển thêm đã báo cáo Chi cục Thủy lợi. Sau đó Chi cục đã kiểm tra và chỉ đạo Hạt QLĐ hướng dẫn xử lý giờ đầu như: Cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở bãi sông, thông báo rộng rãi cho nhân dân trong vùng biết khu vực nguy hiểm, khoanh vùng bằng cọc, căng dây khu vực đang có diễn biến sạt lở; cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. Chi cục đã báo cáo Sở (theo văn bản báo cáo số 19/BC-CCTL ngày 28/2/2020) và tham mưu Sở báo cáo UBND tỉnh (theo văn bản báo cáo số 68/BC-SNN-CCTL ngày 28/2/2020), đồng thời tham mưu Sở đề nghị UBND huyện Lục Nam thực hiện ngay các biện pháp để đảm bảo an toàn đê hạn chế sạt lở bãi sông (theo Văn bản số 279/SNN-TL ngày 2/3/2020), cụ thể diễn biến sạt lở như sau:

Hình ảnh sạt lở bờ, bãi sông khu vực K14+100 đê hữu Lục Nam, huyện Lục Nam

Vị trí số 01: Khu vực đoạn K13+990 đến K14+040.

Xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt bãi, chiều rộng vết nứt rộng từ 10 cm đến 30 cm, ăn sâu vào bãi khoảng 7,0 m đến 10,0 m và đang có diễn biến phát triển thêm gây sạt lở bờ, bãi, hình thành cung sạt, làm mất ổn định bờ, bãi sông dẫn đến ảnh hưởng kè bảo vệ đê, mất an toàn cho đê. Chiều dài vết nứt khoảng 50m, đỉnh cung theo vết nứt mặt bãi hiện tại cách chân kè đồng thời là chân đê 40,0 m đến 45,0 m.

Vị trí số 02: Khu vực đoạn K14+070 đến K14+160.

Tại khu vực này đã xẩy ra sạt lở năm 2018 (cung sạt dài 35m, ăn sâu vào bãi khoảng 7,0 m), đến nay cung sạt tiếp tục phát triển thêm chiều dài 90 m và ăn sâu thêm vào bãi khoảng 4,0 m đến 6,0 m, đỉnh cung sạt hiện tại cách chân kè đồng thời là chân đê 25,0 m đến 30,0 m. Trên mặt bãi sông có nhiều vết nứt xung quanh cung sạt và đang có xu hướng phát triển thêm gây mất ổn định bờ, bãi sông dẫn đến ảnh hưởng kè bảo vệ đê, mất an toàn cho đê.

Nhận định nguyên nhân do khu vực này là đoạn sông đã được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông Lục Nam thuộc địa bàn xã Vũ Xá và xã Yên Sơn huyện Lục Nam (theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 và Quyết định số 363/QĐ-UBND ngày 14/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Tuy nhiên do quá trình khai thác khoáng sản không đúng quy định, các tầu khai thác cát, sỏi tại các khu vực trên với quy mô lớn, vòi hút khai thác cát sâu quá mức và hướng các vòi khai thác cát vào phía trong bờ sông. Mặt khác khu vực này thuộc dự án nạo vét tuyến đường thủy nội địa của công ty TNHH một thành viên Đông Bắc Bộ do vậy làm cho bờ bãi sông tạo nên các hàm ếch, vách đứng gây hiện tượng sập, sạt lở bờ, bãi sông. Hoạt động khai thác trên gây bức xúc, dư luận nhân dân trong vùng 02 xã Vũ Xá, Yên Sơn của huyện Lục Nam và đã nhiều có ý kiến cử tri, nên việc khai thác cát, sỏi lòng sông, dự án nạo vét tuyến đường thủy nội địa đang tạm dừng hoạt động.

Nguyễn Văn Tĩnh

Chi cục Thủy lợi

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024