Năm 2023, tỉnh Bắc Giang huy động trên 6,8 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
UBND tỉnh Bắc Giang mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2023. Phấn đấu có tối thiểu 25 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2-3 sản phẩm); ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; tối thiểu 02 sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP, triển khai Chu trình OCOP đảm bảo nguyên tắc: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách, định hướng, quản lý, giám sát, hỗ trợ, tập huấn, xúc tiến thương mai và quảng bá sản phẩm. Cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế.

Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP. Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP, đưa phần mềm số hóa quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành 02 đợt (cấp tỉnh đợt 1 xong trước ngày 30/6/2023; đợt 2 xong trước ngày 30/10/2023, sớm hơn 01 tháng so với hàng năm). Tổ chức Lễ công bố, trao chứng nhận và vinh danh sản phẩm đạt OCOP trước ngày 15/12/2023.

Kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm; thu hồi giấy chứng nhận đối với các sản phẩm không đáp ứng điều kiện theo quy định.

Tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP năm 2023 khoảng 6,81 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với  các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện Chương trình.

UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Các huyện Lục Ngạn, Việt Yên, Sơn Động và TP Bắc Giang rà soát hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao; sản phẩm dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái và điểm du lịch (trong đó: huyện Lục Ngạn lựa chọn xây dựng 1-2 sản phẩm tham gia đánh giá 5 sao; huyện Việt Yên và Sơn Động lựa chọn xây dựng 01 sản phẩm dịch vụ du lịch; TP Bắc Giang lựa chọn xây dựng 01 sản phẩm tham gia đánh giá 5 sao và 01 sản phẩm dịch vụ du lịch). Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương thực hiện hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình.

Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Trung ương, đến nay cả nước đã có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.000 sản phẩm so với năm 2022)./.

Ngọc Thọ

Văn phòng Sở NN&PTNT

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024