Năng suất cá đạt 14-15 tấn/ha khi tham gia Đề án tự động hóa nuôi trồng thủy sản thâm canh

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Trong bối cảnh diện tích thủy sản khó có thể mở rộng, luôn đảm bảo duy trì khoảng 12.200ha thì việc định hướng mở rộng chăn nuôi thâm canh có áp dụng công nghệ vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi là xu hướng tất yếu.

Ngay từ năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”.

Tham gia Đề án các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ: 50% kinh phí mua thiết bị cảm biến, máy sục khí tạo ôxy, máy cho cá ăn và hệ thống camera để tích hợp và kết nối internet qua máy tính, điện thoại, nhưng không quá 14,5 triệu đồng/bộ. Hỗ trợ 60% kinh phí mua các loại cá giống nuôi chính, nhưng không quá 14,5 triệu/ha. Hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học cho các hộ tham gia đề án trong quá trình nuôi, nhưng không quá 6 triệu đồng/ha cho một vụ nuôi. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bộ thiết bị đo môi trường (gồm: máy đo ôxy hòa tan, máy đo pH, test NH3 và nhiệt kế), nhưng không quá 11,6 triệu đồng/bộ. Hỗ trợ 100%, nhưng không quá 6,5 triệu đồng/ha chi phí tư vấn, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho vụ sản xuất đầu tiên. Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, hội thảo, thăm quan học tập kinh nghiệm và kinh phí tuyên truyền.

Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã tập trung triển khai lựa chọn mô hình, lựa chọn các hộ có trình độ thâm canh cao, có kinh nghiệm trong sản xuất và thực hành chăn nuôi theo quy trịnh VietGap để thực hiện Đề án.

Sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án, đã xây dựng được 6 vùng nuôi tập trung  ở các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên và Lạng Giang với tổng diện tích 55ha với 45 hộ dân tham gia. Theo đánh giá, sau khi áp dụng mô hình tự động hóa trong chăn nuôi thủy sản năng suất tăng từ 8-10 tấn/ha lên 14-15 tấn/ha. Người chăn nuôi không phải vất vả trong quá trình theo dõi ao nuôi, cho ăn hoặc bật máy tạo oxy khi thời tiết xấu, bởi toàn bộ quy trình đã được áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng điều khiển bằng điện thoại thông minh để theo dõi camera, bật toàn bộ thiết bị quạt tạo ôxy, máy cho ăn mà không cần phải có mặt tại ao nuôi.

Thông qua việc thực hiện Đề án người chăn nuôi sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, bước đầu áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất thủy sản, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của BTV Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035./.

Ngọc Thọ

Văn phòng Sở NN&PTNT

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024