Ngăn chặn sinh vật ngoại lai gây hại sản xuất nông nghiệp!

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

1. Khái quát chung về sinh vât ngoại lai

Sinh vật ngoại lai trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, một loài ngoại lai có thể không thích nghi được với điều kiện sống và do đó không tồn tại được. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh và thiên địch như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại. Nguồn gốc sâu xa của loài xâm lấn chính là các hoạt động một cách có chủ ý hoặc vô ý của con người.

Ở Viêt Nam sinh vật ngoại lai rất phong phú gồm nhiều loài, phân bố rộng như cây trinh nữ thân gỗ phát triển khá nhanh và có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt tại các vùng bán ngập thuộc đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực lòng hồ thủy điện như Trị An, Thác Bà, Hòa Bình… chúng mọc dày tạo thành những vành đai rộng lớn và trở thành đối tượng cỏ dại nguy hiểm khó phòng trừ, gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường. Mặc dù vấn nạn về cây trinh nữ thân gỗ đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhưng cho đến nay vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của chúng.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay loài dịch hại có khả năng phân bố và gây hại trên diện rộng với nhiều loại cây trồng nông nghiệp đó là Ốc bươu vàng  (Pomacea canaliculata) là một trong những loài gây hại mạnh nhất ở Việt Nam. Loài này đã được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với mục đích làm cảnh. Năm 1989, hai trang trại nuôi Ốc bươu vàng (OBV) được thành lập tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh để nhân nuôi và xuất khẩu OBV. Đến năm 1990, việc nuôi thử nghiệm OBV được bắt đầu ở miền Bắc Việt Nam. Do có vòng đời ngắn, dưới các điều kiện phù hợp, OBV có thể phát tán nhanh chóng dọc theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng tại Việt Nam. Do có thể ăn được hầu hết các loài thực vật, OBV gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đồng bằng sông Hồng cũng như đối với sản xuất nông nghiệp.

 

(Hình ảnh ốc và trứng Ốc bươu vàng hại lúa – nguồn internet)

Hàng năm OBV gây hại trên lúa và rau màu với diện tích nhiễm khoảng 20 ngàn ha, phân bố rộng khắp 10/10 huyện, thành phố. Tuy đã được chỉ đạo phòng trừ sớm ngay từ đầu vụ bằng nhiều phương pháp như: Bắt thủ công, sử dụng thuốc nhằm ngăn chặn sự gây hại và lây lan của OBV nhưng do đặc điểm sinh học cũng như quy luật phát sinh của chúng đã làm ảnh hưởng rất lớn tới kết quả phòng trừ.

Sinh vật ngoại lai nói chung và OBV nói riêng cần phải có các giải pháp lâu dài và bền vững để quản lý chúng.

2. Đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai

   Thứ nhất, tăng cường hoạt động điều tra, phát hiện thường xuyên. Công việc này cần phải được tiến hành thường xuyên để phát hiện những khu vực mới bị xâm nhiễm và lập kế hoạch kiểm soát phù hợp. Qua điều tra cũng có thể xác định đầy đủ về điều kiện, quy luật phát tán, lây lan của sinh vật ngoại lai (SVNL). Trên cơ sở điều tra và phân tích hệ sinh thái, phải cảnh báo được các vùng có nguy cơ xâm nhiễm cao để có kế hoạch kiểm soát kịp thời.

   Thứ hai, áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch. Kiểm soát chặt chẽ và chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của SVNL. Đây là một biện pháp khó thực hiện vì ngoài con đường phát tán qua nông sản, nhiều loài SVNL còn phát tán qua nước, không khí. Tuy vậy, trong khuôn khổ hoạt động của con người, có kiểm soát và hạn chế sự phát tán qua nhập khẩu nông sản, qua các phương tiện giao thông, phân gia súc... từ vùng bị nhiễm sang vùng không bị nhiễm. Hạn chế sự di chuyển của nguồn hạt từ những vùng đã bị xâm nhiễm nặng ra bên ngoài.

   Thứ ba, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của SVNL. Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về khả năng phát tán, các con đường lây lan, tác động của SVNL đến đời sống, kinh tế, xã hội, môi trường và những việc người dân có thể làm hoặc tham gia được vào chiến lược ngăn chặn sự lây lan. Đặc biệt, không nuôi trồng và sử dụng SVNL vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán (ví dụ trồng cây trinh nữ làm cây hàng rào, chống xói mòn, nuôi ốc bươu vàng...).

   Thứ tư, tiến hành các hoạt động kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các khu vực mới bị xâm nhiễm hoặc tái nhiễm. Đối với thực vật, tận dụng mọi khả năng có thể để phủ kín mặt đất bằng các loài thực vật thích hợp vì đa số các loài thực vật ngoại lai đều ưa sáng. Phải chủ động trồng các loại thực vật phù hợp để lấn át sự xâm nhiễm của thực vật ngoại lai ngay từ đầu.

  3. Kết luận

Quản lý sinh vật NLXH đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp việc phòng trừ cần được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua công tác kiểm dịch thực vật, đánh giá nguy cơ dịch hại, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Việc phòng trừ các đối tượng SVNL cần tiến hành sớm bằng các biện pháp phù hợp với từng vùng sinh thái và mức độ xâm lấn cụ thể. Việc phòng trừ sớm không chỉ đạt hiệu quả cao, chi phí thấp mà còn cho phép áp dụng nhiều giải pháp khác nhau đặc biệt có thể lựa chọn các biện pháp an toàn như biện pháp thủ công hay sử dụng tác nhân sinh học. Không khuyến khích sử dụng SVNL làm nguồn giống cây trồng.

Nguyễn Thị Tú - Phòng Bảo vệ thực vật!

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024