Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 20/01/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-TTCP Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thông tư này áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có 03 loại báo cáo theo Thông tư này, cụ thể: Báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất. Trong đó:

- Báo cáo định kỳ gồm báo cáo Quý I, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm, đối với báo cáo Quý II, Quý III và Quý IV chỉ thực hiện báo cáo theo các biểu số liệu.

- Báo cáo chuyên đề thực hiện hằng năm. Trường hợp cần thiết phải bổ sung nội dung, Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về đề cương, biểu số liệu báo cáo.

- Báo cáo đột xuất được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.

Báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất thời gian chốt số liệu theo yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ.

Báo cáo được thể hiện bằng văn bản giấy, văn bản điện tử, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và được đóng dấu theo quy định.

Báo cáo được gửi tới cơ quan nhận báo cáo bằng hệ thống văn bản điện tử trong cơ quan hành chính nhà nước và một trong số phương thức sau: Gửi qua phần mềm hệ thống báo cáo của ngành Thanh tra; gửi qua thư điện tử của cơ quan hành chính nhà nước; gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua Fax.

Thông tư số 01/2024/TT-TTCP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2024.

Tải văn bản tại đây./.                                                                                                        Thu Hường

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024