Sở Nông nghiệp và PTNT: Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ứng phó với cơn bão số 1

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa ban hành văn bản số 1509/SNN-TT&BVTV đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ứng phó với cơn bão số 1 (cơn bão Talim).

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang, do ảnh hưởng của bão số 1 (cơn bão Talim) trong đêm hôm qua và sáng ngày 18/7, các khu vực của tỉnh Bắc Giang đã có mưa nhiều nơi. Dự báo trong 24 - 48 giờ tới, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 di chuyển đổ bộ vào khu vực Đông Bắc Bộ sau suy yếu thành vùng áp thấp, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có mưa vừa, mưa to có điểm mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến 70 mm - 130mm.

Theo tổng hợp báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT (Kinh tế) các huyện, thành phố, đến nay toàn tỉnh gieo trồng vụ Mùa được 42.169 ha/63.000ha, đạt 66,9% kế hoạch. Trong đó, lúa mùa gieo cấy được 38.166 ha, cây rau màu 4.000 ha. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Talim, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, giữ nông mặt ruộng. Huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

Đối với vùng sản xuất lúa khi có sự cố úng ngập, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm tiêu úng kịp thời; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập nặng, diện tích mạ còn lại. Với vùng sản xuất rau màu khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Đồng thời, chủ động khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, chưa đến thời kỳ thu hoạch. Có phương án chuẩn bị đủ lượng hạt giống dự phòng bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn để gieo cấy lại trong trường hợp cần thiết. Chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, đặc biệt sự bùng phát của bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

Đối với cây ăn quả, chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đối với một số loại cây ăn quả đến thời kỳ cho thu hoạch. Đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng, chằng chéo thân cây hoặc cành lớn theo hướng để hạn chế đổ ngã. Đối với cây đang mang quả nếu chưa đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động tỉa bớt quả trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng chùm quả.

Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đồng thời, chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh diện tích bị thiệt hại. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý kịp thời với những thiệt hại do mưa bão và dịch hại gây ra.

Minh Tuấn

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024