Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Những tháng đầu năm 2023, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên với diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Sở Nông nghiệp và PTNT mới có văn bản đề nghị các huyện, thành phố, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 16/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, yêu cầu các huyện, thành phố, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31/01/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 16/01/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong thời gian qua.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã có rừng tự nhiên tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; nắm bắt, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất rừng ở địa phương không được để kéo dài. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra, rà soát các địa bàn, khu vực trọng điểm nhạy cảm có nguy cơ xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để tập trung lực lượng thường xuyên "bám rừng", tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Chỉ đạo lực lượng Công an quyết liệt vào cuộc điều tra, xác minh đối tượng vi phạm của các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trong thời gian qua để sớm có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm chung trong nhân dân.

Đối với địa bàn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép có diễn biến phức tạp đề nghị thành lập Tổ công tác liên ngành của huyện gồm các thành phần như  Công an, Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương và các thành phần khác có liên quan để tập trung ngăn chặn, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định.

Lực lượng kiểm lâm thực hiện tuần tra rừng

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; các chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú tới người dân, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không tự ý chặt phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế; tích cực tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thường xuyên bám rừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường lực lượng về cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng thường xuyên xảy ra cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Tiếp tục duy trì 05 công chức tăng cường Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử theo Quyết định số 83/QĐ-SNN ngày 17/3/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác rừng đặc dụng trong thời gian qua.

Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn chặn tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm; đặc biệt là những cán bộ kiểm lâm thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ có hành vi buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ vi phạm trên địa bàn được giao quản lý, phụ trách.

Trong các ngày nghỉ cuối tuần và dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5, Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3 lực lượng Kiểm lâm phải trực ít nhất 50% quân số. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để luôn sẵn sàng tuần tra, bảo vệ rừng; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết giữa ba lực lượng Công an - Quân sự - Kiểm lâm; đảm bảo có đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Các chủ rừng là tổ chức phải chịu trách nhiệm chính và trước tiên trong quản lý bảo vệ rừng và đất rừng đối với diện tích được giao, cho thuê; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng.

Không để tình trạng rừng bị cháy, phá, khai thác, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không kịp thời phát hiện, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định.

Khẩn trương kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đảm bảo đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có trên diện tích được giao quản lý. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong diện tích được giao, quản lý ngay từ khi vụ việc mới phát sinh.

Yêu cầu Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT trong các ngày nghỉ cuối tuần và các ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5, Giỗ tổ Hùng Vương ngày 10/3 phải trực ít nhất 50% quân số, để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ rừng trên diện tích được giao quản lý.

Chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo kịp thời tình hình bảo vệ rừng, chặt phá rừng, cháy rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật về Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Riêng đối với các vụ phá rừng, cháy rừng phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trong ngày theo quy định.

Được biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ khai thác gỗ trái phép trên diện tích rừng do Ban quản lý Bảo tồn Tây Yên Tử quản lý trên địa bàn huyện Sơn Động và 03 vụ phát vén rừng tự nhiên của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng và Thương mại Trường Lộc, 01 vụ phát vén rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất đã giao cho người dân quản lý đều thuộc địa bàn huyện Yên Thế./.

Ngọc Thọ

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024