Tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trước tình trạng mạo danh mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói khiến nước nhập khẩu phải cảnh báo hoặc tạm dừng nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp vàn PTNT đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu rõ: Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, để công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương:

Xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bố trí nguồn lực thực hiện công tác thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói trong đó chú trọng tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) xây dựng.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; chú trọng công tác tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chủ động đàm phán với cơ quan kỹ thuật của nước nhập khẩu để mở cửa thị trường, tăng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu; chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo duy trì đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. 

Vụ vải thiều năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì 197 mã số vùng trồng (149 mã số diện tích 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc, 18 mã số diện tích 218 ha xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU và 30 mã số 219,45 ha xuất khẩu sang Nhật Bản), rà soát cấp mới 05 mã số vùng trồng với diện tích 50 ha để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và thị trường khác có yêu cầu về mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hiện Chi cục Trổng trọt và BVTV đang phối hợp với các huyện vùng sản xuất vải thiều hướng dẫn chăm sóc vải thiều theo quy trình đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhất là chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm tra của Hải Quan Trung Quốc.

Xem chi tiết Chỉ thị tại đây./.

Ngọc Thọ

Văn phòng Sở NN&PTNT

Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024