Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh phong trào trồng rừng sản xuất phát triển mạnh, trung bình mỗi năm trồng từ 7.000 -8.000 ha. Cùng với việc trồng rừng thì việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp cũng phát triển mạnh.

Hàng năm các tổ chức, cá nhân hộ gia đình trên địa bàn tỉnh sản xuất được từ 15-18 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Toàn tỉnh có khoảng 180 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp (huyện Yên Thế có 05 tổ chức và 122 hộ, huyện Sơn Động có 05 tổ chức và 32 hộ). Công tác quản lý về giống cây lâm nghiệp đã được các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, năm 2017 chỉ có 17 tổ chức doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, còn lại các hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khác chưa đăng ký kinh doanh. Cây giống các hộ kinh doanh này chưa được quản lý, giám sát theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Đặc biệt là mấy năm gần đây một số hộ gia đình mua giống cây Bạch Đàn từ Trung Quốc (nhập khẩu trái phép) về ươm và trồng trên địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm khoảng 2 triệu cây giống bạch đàn Trung Quốc để bán cho người dân trồng rừng. Việc trồng rừng bằng bạch đàn chưa được kiểm soát, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về dịch bệnh, khả năng phát triển hàng năm của cây trồng, thoái hóa đất...dẫn đến thiệt hại về kinh tế, môi trường.


 

                                                                       Bạch đàn giống (ảnh sưu tầm)

Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong phát triển rừng, nhất là quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản gửi các huyện, thành phố:

 

- Tuyên truyền, vận động người dân địa phương khi trồng rừng, lựa chọn các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đưa vào sản xuất như: Bạch đàn lai dòng PNCT3, UP72, UP99...keo lai dòng BV10,BV32..., keo tai tượng hạt nhập nội có xuất xứ Pongaki được sản xuất tại các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.

               - UBND các huyện/TP chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã chủ trì phối hợp với hạt Kiểm lâm sở tại thường xuyên kiểm tra, theo dõi giám sát các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp thực hiện nghiêm túc theo quy định của Pháp lệnh giống số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004; Quy chế quản lý giống cây trồng kèm theo quyết định số 89/2005/QĐ-BNN. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không chấp hành các quy định của Nhà nước; sản xuất, kinh doanh giống không có nguồn gốc; gieo ươm, kinh doanh giống cây bạch đàn nhập lậu từ Trung Quốc theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ kiểm dịch thực vật.                                      

Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024