Tăng cường phối hợp bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 06/4/2024, tại Trung tâm tổ chức hội nghị thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương và Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, có Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng I; Lãnh đạo các Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn và Hải Phòng; đại diện Lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố và đại diện Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Chi cục Kiểm lâm có liên quan.

Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương, nhất là Huyện uỷ, UBND huyện Cụm giáp ranh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng theo từng lĩnh vực (Công an, Quân sự, Kiểm lâm), cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tại các khu vực giáp ranh trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự; quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo báo cáo, trong 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-KLQN-KLHP-KLHD-KLBG-KLLS ngày 10/9/2022 của các Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn và Hải Phòng (Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố), Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố đã thường xuyên trao đổi về tình hình quản lý bảo vệ rừng, lập kế hoạch tuần tra kiểm soát truy quét tại các khu vực giáp ranh, chia sẻ thông tin về phát triển lâm nghiệp, trao đổi thông tin nghiệp vụ trong lĩnh vực Lâm nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng tại địa phương, đồng thời tránh được những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong thực thi pháp luật về Lâm nghiệp và pháp luật liên quan. Tình hình rừng cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng chặt, phá cây rừng trái pháp luật, buôn bán trái phép lâm sản và động vật hoang dã. Đặc biệt năm 2023 không xảy ra cháy rừng tại những khu vực giáp ranh. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại các khu vực giáp ranh phần lớn đã được giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân quản lý và sử dụng, do vậy công tác quản lý bảo vệ ngày càng được nâng cao và đạt kết quả tốt.

Quang cảnh hội nghị

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng; tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác phối hợp ; Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như sau :

 (1) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy chế phối hợp; thường xuyên trao đổi thông tin về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng của mỗi bên để từ đó có phương án phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc cũng như ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại vùng giáp ranh;

(2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của phát triển lâm nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân vùng giáp ranh;

(3) Thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng  các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng. Chủ động liên hệ với lực lượng tỉnh bạn trong tham quan, học tập, trao đổi những kinh nghiệm, cách làm tốt trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng;

(4) Tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại vùng giáp ranh; tập trung quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; xác định vùng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra khai thác, phá rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh chủ động rà soát, nắm tình hình và lập danh sách các đối tượng, khu vực thường có các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trong khu vực giáp ranh để chủ động thông tin, liên hệ lực lượng tỉnh bạn phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời khi có vụ việc xảy ra;

(5) Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giáp ranh tăng cường công tác quản lý về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn;

(6) Phối hợp nghiên cứu, trao đổi, vận dụng tham mưu thực hiện tốt cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển lâm nghiệp; tranh thủ chính sách của Trung ương áp dụng vào tình hình thực tiễn của tỉnh;

(7) Phát huy vai trò nòng cốt, chủ động của lực lượng Kiểm lâm, nhất là Hạt Kiểm lâm trong thực hiện Quy chế phối hợp để thúc đẩy trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. Định kỳ tổ chức đánh giá, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế phối hợp, nhất là giữa các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn để nâng cao kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh;

(8) Các Chi cục Kiểm lâm cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trực thuộc tăng cường phối hợp thực hiện quy chế, 100% các Hạt Kiểm lâm giáp ranh ký quy chế phối hợp/kế hoạch phối hợp và thực hiện tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin, sơ kết hằng năm theo đúng quy chế phối hợp;

(9) Thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác lâm sản của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân các khu vực giáp ranh; phối hợp chia sẻ trong công tác cập nhật diễn biến rừng; quản lý, sử dụng rừng bền vững; chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế;

(10) Tăng cường phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ tại các khu vực giáp ranh; sẵn sàng huy động, tăng cường về trang thiết bị, phương tiện, con người phối hợp ngăn chặn cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra tại khu vực giáp ranh và xác minh thiệt hại, vi phạm sau cháy;

(11) Xây dựng kế hoạch, thông tin trong công tác kiểm tra quản lý lâm sản tại các khu vực giáp ranh, các tuyến đường giao thông liên tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật; phối hợp trong công tác cung cấp thông tin về các đối tượng, tụ điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản tại các khu vực giáp ranh;

(12) Đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, phổ biến các mô hình tốt, kinh nghiệm hay trong việc thực hiện phong trào trồng cây, trồng rừng và quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

 

 

 

 Đây là hoạt động cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, cần tổ chức thường niên để công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các tỉnh, thành phố ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.

Phạm Văn Thuyên

 

 

Thứ năm, 02 Tháng 05 Năm 2024