Tập trung kiểm tra và chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa Chiêm Xuân 2023-2024

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay, trà lúa Xuân sớm giai đoạn đòng, dự kiến sẽ trỗ vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5; trà Xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, trỗ tập trung từ 10-20/5.

Qua điều tra theo dõi của Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 trưởng thành đang ra rộ mật độ trung bình 0,5-1 con/m2, cao 4-6 con/m2, cục bộ > 10 con/m2. Tập đoàn rầy gây hại mật độ trung bình 50-100 con/m2, cao 300-400 con/m2, cục bộ > 1.000 con/m2. Dự báo trong thời gian tới sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở tập trung từ đầu tháng 5; tập đoàn rầy nở rộ từ 28/4 trở đi. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại nặng trong điều kiện thời tiết ngày nắng gắt, mát về đêm kèm theo mưa dông, gió mạnh. Nếu không phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh sẽ gây hại nặng ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Để chủ động phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại lúa trong thời gian tới, bà con nông dân cần thực hiện một số biện pháp sau:

Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của sâu cuốn lá nhỏ hại lúa trên đồng ruộng để có các biện chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Chủ động phun phòng trừ khi sâu non xuất hiện với mật độ từ 20 con/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đòng - trỗ; từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn lúa đẻ nhánh - đứng cái. Thời gian phun trừ từ ngày 2-10/5, đối với những ruộng mật độ cao, sâu non nở kéo dài, phun xong gặp mưa, cần phun kép lần 2 để đảm bảo hiệu quả phòng trừ (Lưu ý: căn cứ tùy theo điều kiện sinh trưởng lúa của các trà, thời gian sâu non nở ở từng địa phương để chọn thời điểm phòng trừ phù hợp). Bà con phun theo nguyên tắc 4 đúng, không phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

         Hình ảnh thăm đồng tại xã Quế Nham, huyện Tân Yên

           Đối với tập đoàn rầy: cần phòng trừ ngay sau khi rầy cám nở rộ đối với những ruộng có mật độ từ 1.500 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc đặc hiệu. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tập trung phun phòng trừ ngay khi xuất hiện bệnh để hạn chế sự lây lan; ngừng bón đạm và không phun phân bón qua lá đối với những ruộng đang bị nhiễm bệnh, đồng thời điều chỉnh mực nước trong ruộng thích hợp từ 3-5 cm để tăng hiệu quả phòng trừ.

          Ngoài ra, bà con cần tiếp tục theo dõi các đối tượng sâu bệnh khác như: bệnh đạo ôn, đen lép hạt, sâu đục thân, khô vằn...

          Các cơ quan chuyên môn, đài phát thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ đảm bảo an toàn, hiệu quả; cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt hạn chế sâu bệnh hại như: điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối, tăng cường bón kali ở giai đoạn đòng để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất lúa.

          Trên đây là một số biện pháp canh tác, phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa Chiêm xuân 2023-2024.

Chúc bà con nông dân thực hiện tốt và có mùa vụ bội thu!

   Nguyễn Nguyệt - Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang

Thứ sáu, 17 Tháng 05 Năm 2024