THỦY SINH VẬT THỦY SẢN NGOẠI LAI – MỐI NGUY HẠI CHO MÔI TRƯỜNG

|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Thủy sinh vật ngoại lai xâm hại (gồm động vật, thực vật sống trong môi trường nước) là loài thủy sinh vật ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển như rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá hoàng đế, cá hổ, tôm càng đỏ, ốc biêu vàng...

Rùa tai đỏ - Một sinh vật ngoại lai nguy hiểm-ST Internet

Thủy sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập vào một môi trường sống mới bằng nhiều cách. Nó có thể đi theo con đường tự nhiên như theo gió, dòng nước và bám theo các loài di cư, nhưng quan trọng hơn cả là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải thương mại, con người đã vô tình hay hữu ý đưa các loài sinh vật từ nơi chúng sinh sống đến Việt Nam. Nhiều loài được du nhập cho các mục đích kinh tế, giải trí, khoa học nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra nhiều tác hại nặng nề. Chúng ta vẫn chưa quên được trường hợp ốc bươu vàng. Được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước đây, loài ốc này đã nhanh chóng lan tràn từ miền Nam ra miền Bắc, phá hại nghiêm trọng sản xuất của các địa phương này. Tác động mà các loài  thủy sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống thường là cạnh tranh với các loài thủy sản bản địa về thức ăn, nơi sống, ăn thịt các loài khác, phá hủy hoặc làm mất cân bằng sinh thái, môi trường, truyền bệnh... Thực tế cho thấy nhiều loài ngoại lai xâm hại không biểu hiện tác hại của chúng ngay sau khi xâm nhập vào một môi trường sống mới mà thường trải qua một giai đoạn “ủ bệnh” trước khi bùng phát. Giai đoạn này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào đặc điểm sinh trưởng, sinh sản của từng loài cũng như vào môi trường mà chúng xâm nhập vào.

Vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất hiện tình trạng tổ chức, cá nhân du nhập thông qua con đường tiểu ngạch, mua bán, nuôi nhốt, thả phóng sinh một số loài sinh vật ngoại lai ra các thuỷ vực như sông, hồ, đầm. Thậm chí, một số cửa hàng tại các thành phố lớn còn công khai bày bán loại rùa tai đỏ, cá lau kiếng... phục vụ cho nhu cầu nuôi làm cảnh.

 

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay cũng đã xuất hiện một số loài thuỷ sinh vật ngoại lai như rùa tai đỏ, ốc bươu vàng và đã có hiện tượng người dân nuôi nhốt tại nhà các loài trên… mặc dù chưa gây ra những tác hại lớn cho sản xuất tuy nhiên đây là những mối nguy hiểm tiềm tàng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và môi trường sinh thái. Chính vì mức độ ảnh hưởng của thủy sinh vật ngoại lai đến hệ sinh thái và các loài động thực vật thuỷ sản khác, Chi cục thuỷ sản - Sở Nông nghiệp & PTNT Bắc Giang đã tuyên truyền các tổ chức, cá nhân, cơ sở sinh sản nhân tạo thủy sản, cơ sở sản xuất và kinh doanh cá cảnh để cảnh báo cho người nuôi về tác hại của những loài này. Theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Hành vi thả các loài thủy sinh vật ngoại lai ra môi trường tự nhiên có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.

Để phòng tránh nguy cơ các loài thuỷ sinh vật ngoại lai xâm nhập, phát tán rộng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái nói chung, sản xuất thuỷ sản nói riêng. Bên cạnh việc quản lý của cơ quan chuyên ngành theo Thông tư số 53/2009/TT-BNN  ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp & PTNT như các tổ chức, cá nhân không được di nhập, mua bán, nuôi, nhốt các loài sinh vật ngoại lai khi chưa qua nuôi khảo nghiệm. Khi lưu giữ, nuôi nhốt các loài thủy sinh vật ngoại lai phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương... thì rất cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền các cấp và cả cộng đồng cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của các loài sinh vật ngoại lai, từ đó khuyến khích người dân tham gia giám sát, quản lý; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hướng dẫn kiểm soát và diệt trừ một số loài ngoại lai xâm hại nâng cao năng lực cho cán bộ nhất là những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024