TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG TẠI VÙNG HỒ CẤM SƠN, HUYỆN LỤC NGẠN, TỈNH BẮC GIANG

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước là 2.650 ha, chứa khoảng 307 triệu m3 nước, nơi sâu nhất khoảng 47,5 m, chiều dài hồ khoảng 22 km, chỗ rộng nhất khoảng 5 km. Địa hình phía Tây Bắc giáp với tỉnh Lạng Sơn, còn lại tiếp giáp với 4 xã của huyện Lục Ngạn (gồm: xã Sơn Hải, Cấm Sơn, Hộ Đáp và Tân Sơn). Hồ Cấm Sơn có cảnh đẹp, sơn thuỷ hữu tình, quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, vùng lòng hồ có nhiều đảo nhỏ trùng điệp như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”. Xung quanh hồ là các đồi vải và rừng tự nhiên bao quanh diện tích khoảng 21.800 ha. Nơi đây được coi là khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái với nhiều loại động, thực vật rừng quý hiếm còn tồn tại và phát triển. Phương tiện giao thông chủ yếu là thuyền máy, thuyền và bè, thích hợp với các loại hình du lịch: Bơi thuyền, leo núi, câu cá, đi bộ vào các làng, bản của đồng bào dân tộc, hay đi pic nic trên rừng,…

Dân cư trong vùng chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng còn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần của người dân nơi đây, đặc biệt như: hát Then, hát Sloong hao... hát Then của dân tộc Tày được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, trang phục truyền thống của các dân tộc vẫn được bảo tồn và sử dụng phổ biến trong các dịp lễ tết. Hoạt động văn hoá văn nghệ trên địa bàn huyện là hoạt động diễn sướng, phục vụ nhu cầu giao lưu của nhân dân, chưa xây dựng thành những sản phẩm văn hoá mang tính chuyên nghiệp, hấp dẫn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu, thưởng thức của du khách.

Đời sống của người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, lâm nghiệp, một phần đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản; văn hoá ẩm thực của nhân dân khu vực hồ Cấm Sơn cũng rất đặc sắc, đó là các món ăn được chế biến theo phong cách, hương vị riêng của người vùng cao như: Lợn quay, xôi trứng kiến, xôi ba màu, bánh vắt vai, thịt gà trống thiến, cá hồ Cấm Sơn; tại thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn hiện còn 106 ngôi nhà cổ trình tường đất, lợp ngói máng âm dương, có những ngôi nhà với tuổi thọ gần 100 năm; văn hoá truyền thống của dân tộc Nùng ở đây còn lưu giữ được nhiều nét cổ, đặc sắc....Đây là những yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài khi lựa chọn du lịch sinh thái cộng đồng với mong muốn tìm đến những trải nghiệm thiên nhiên và văn hoá truyền thống để thư giãn, tạm xa nhịp sống xô bồ của phố phường.

Lục Ngạn được biết đến là “vựa trái cây” lớn nhất miền Bắc, là nơi tập trung nhiều loại trái cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, các loại cây có múi (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh), ngoài ra còn nhiều loại trái cây khác như táo, ổi, nhãn, thanh long... Cùng với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, 04 xã vùng hồ hiện nay vẫn duy trì, ổn định phát triển với trên 3.900 ha cây ăn quả các loại; những năm qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây, nhằm tạo đầu ra ổn định. Chất lượng trái cây ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, vải thiều Lục Ngạn ngon nức tiếng trong và ngoài nước và đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 8 nước, xuất khẩu sang trên 30 nước, đặc biệt đã xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc.

Trong chu kỳ một năm, trên địa bàn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch; từ tháng 01 đến tháng 03 có cam V2 và táo xuân; tháng 5, 6 có vải thiều; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối... Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc trái cây ra quả quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Nhờ thu nhập cao từ cây ăn quả nên đời sống của một bộ phận người dân từng bước được nâng lên; nhiều trang trại, nhà vườn, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, đủ điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều nhà vườn có thể phát triển thành Homestay để đón khách du lịch đến sử dụng các dịch vụ của người dân từ dịch vụ ăn, uống, ngủ, nghỉ; trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng nhà dân như: Trồng cây, chăm sóc, tỉa cây, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng, chưa được đầu tư và khai thác. Hạ tầng phục vụ du lịch cơ bản còn thiếu, mạng lưới giao thông đến các điểm có tiềm năng du lịch còn khó khăn, chưa có các bến bãi, điểm dừng đỗ xe; các nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ để phục vụ du khách còn hạn chế; không có các nhà hàng, khách sạn mà chỉ có những quán ăn bình dân phục vụ nhân dân địa phương; chưa có các điểm du lịch được công nhận và chưa có các hướng dẫn viên du lịch,... Trên địa bàn hiện có 01 hợp tác xã kinh doanh du lịch được thành lập tại xã Tân Sơn; chưa có các công ty lữ hành, đại lý du lịch, các tổ chức hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp nên chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại vùng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, cần thiết phải sớm thu hút được các nhà đầu tư lớn để thực hiện các chương trình, đề án, dự án chi tiết, tổng thể phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn một cách khoa học, đồng bộ; đồng thời cụ thể hóa các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về phát triển du lịch; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các loại hình dịch vụ phục vụ phát triển du lịch; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên địa bàn; phát huy vai trò quản lý, hoạt động đón tiếp khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Lục Ngạn nói chung và đến với vùng hồ Cấm Sơn nói riêng. Góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của huyện và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nước khu vực hồ Cấm Sơn; bảo vệ môi trường, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.

Với những tiềm năng và lợi thế nêu trên cho thấy, khu vực hồ Cấm Sơn là địa điểm đẹp lý tưởng để xây dựng thành các khu, điểm khai thác và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn là cần thiết. Thực tế cho thấy, mặc dù kết cấu hạ tầng, các bến bãi, các điểm đến và điểm dừng nghỉ tại hồ Cấm Sơn chưa được đầu tư, giao thông đi lại khó khăn, các dịch vụ chưa có, nhưng trong những năm qua Cấm Sơn đã thu hút rất đông lượng khách đến thăm quan, trải nghiệm./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VÙNG HỒ CẤM SƠN

Lã Mạnh Cường

Chi cục Kiểm lâm

Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024