TP Bắc Giang: Triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại lợn, không gây bệnh cho người. Lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết cao đến 100%, hiện chưa có vacxin và thuốc điều trị. Khi bệnh xảy ra có thể tồn tại nhiều năm, khó thanh toán dịch

Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển lợn 

Để ngăn chặn và phòng chống hiệu quả bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát hiện, không để lây lan đến đàn vật nuôi trên địa bàn, UBND thành phố Bắc Giang đưa nhiều biện pháp, giải pháp nhằm ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh DTLCP.

Trong đó, chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền để cho tất cả người chăn nuôi có thể biết đến sự nguy hiểm của dịch bệnh. Tập huấn cho cán bộ theo dõi lĩnh vực chăn nuôi- thú y phường xã các quy định của Nhà nước và UBND tỉnh về tình hình ngăn chặn và phòng chống bệnh, biện pháp xử lý khi dịch xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển lợn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

UBND thành phỗ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2019, định kỳ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất.

Thống kê, quản lý chặt chẽ đàn lợn, tăng cường chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh DTLCP đến hộ, cơ sở chăn nuôi lượn, khi phát hiện lợn ốm chết nghi mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý….

Huy động nguồn lực địa phương để tập trung công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất. Khi phát hiện có trường hợp nghi mắc bệnh, khẩn trương kiểm tra, phối hợp với cơ quan chuyên môn xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tác nhân gây bệnh. Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh DTLCP. Trong khi chưa có kết quả xét nghiệm, UBND phường xã tổ chức bao vây khoanh vùng ổ dịch, cử lực lượng giám sát chặt chẽ đàn lợn, không để chủ hộ giết mổ hoặc bán chạy lợn. Tiêu hủy ngay khi đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính  với bệnh DTLCP và hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định. Việc tiêu hủy, chon lấp lợn mắc bệnh do UBND xã, phường thực hiện theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp &PTNT.

Tiến hành khoanh vùng ổ dịch, trong phạm vi 03km xung quanh ổ dịch thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong một tuần đầu tiên và liên tục trong một tháng kể từ khi có ổ dịch. Đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sang đàn lợn; lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút DTLCP.

Nghiêm cấm vận chuyển lợn và sác sản phẩm từ lợn vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm. Lợn trong vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát được giết mổ dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP và chỉ đạo tiêu thụ trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

Thời điểm an toàn để người chăn nuôi tái đàn sau dịch là 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc phân lợn bị nhiễm bệnh cuối cùng và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; cơ sở từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi 30 ngày thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu thấy mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP mới tái đàn theo số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn nuôi tại cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Thạo- Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trích nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp năm 2019, hỗ trợ 100% hóa chất để thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng đợt 1, với số lượng 600 lít hóa chất (đã thực hiện xong trong tháng 2); hóa chất dự phòng 150 lít sử dụng hóa chất do UBND tỉnh cấp theo kế hoạch số 444/KH-UBND, ngày 13/2/2019, với tổng kinh phí trên 97 triệu đồng; hỗ trợ  20 triệu đồng cho công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chứ thuộc các cơ quan Hội Nông dân, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và lãnh đạo UBND các xã, phường về các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống bệnh…Khi có dịch xảy ra giao cho Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mư kế hoạch và kinh phí thực hiện chống dịch theo quy định.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024