TT Khuyến nông: Hội thảo “ứng dụng chuyển đổi số đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sản giao dịch điện tử”

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Bưu điện tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo với chủ đề: “Ứng dụng chuyển đổi số đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sản giao dịch điện tử” tham dự và chủ trì cuộc hội thảo có ông Đào Xuân Vinh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cùng đại diện lãnh đạo 4 huyện: Thành phố Bắc Giang, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn và 130 đại biểu nông dân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã có các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Hội nghị có sự tham gia của 130 đại biểu đến từ các huyện, thành pố

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, dến tháng 9/2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm Ocop từ 3 sao trở lên thuộc tốp đầu trong các tỉnh có số sản phẩm Ocop trên cả nước. Hội đồng Ocop cấp tỉnh cũng đã chọn ra được 01 sản phẩm tiềm năng đạt Ocop 5 sao đó là sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn của HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân.

Tại hội thảo các chuyên gia của sàn thương mại điện tử Postmart thuộc khu vực Bắc Giang đã giới thiệu những thành tựu mà việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử được các chuyên gia của sàn Postmart hướng dẫn đối với từng đại biểu trên chiếc điện thoại thông minh.

Chuyên gia hướng dẫn đại biểu đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Ông Nguyễn Văn Thắng, đại biểu của huyện Tân Yên cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đang sản xuất ổi lê Đài Loan, việc bán ổi của gia đình đều được bán tại vườn với giá bán 22.000 đồng/kg. Thời gian qua, nhờ UBND huyện quan tâm quảng bá trên nhiều kênh thông tin thương lái biết đến về tận nơi thu mua. Việc nắm được các ứng dụng và được mở gian hàng trên ứng dụng sàn thương mại điện tử Postmart để bán sản phẩm ổi cũng sẽ là một kênh bán hàng mới từ đó gia đình tôi cũng yên tâm và chuyên tâm sản xuất hơn”.

Đối với các nhà bán hàng thì việc tạo một kênh bán hàng hiệu quả, đẩy mạnh doanh thu cho chủ cửa hàng khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là việc rất dễ, các mặt hàng kinh doanh trên sàn đều dễ tiếp cận với nhiều đối tượng mua khác nhau, giúp nhà bán hàng tiết kiệm được nhiều chi phí: mặt bằng, dữ liệu, nhân lực, nhập kho,… Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tượng nhà bán hàng trực tiếp sản xuất có thể cắt giảm rất nhiều khâu trung gian. Bên cạnh những lợi ích mà sàn thương mại điện tử đem lại thì các giao dịch trên sàn điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn: địa bàn xa, người dân sản xuất chưa quen với việc đóng gói sản phẩm để đưa lên sàn thương mại điện tử, hàng nông sản cũng là mặt hàng khó bảo quản nên xảy ra nhiều rủi ro trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, một số nơi người dân còn thiếu các thiết bị thông minh smartphone, internet,… Ông Thân Đức Tình – đại diện sàn thương mại điện tử Postmart chia sẻ.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Bưu điện tỉnh chia sẻ, với vai trò là đơn vị vận chuyển, Bưu điện tỉnh xác định mỗi bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã đóng vai trò là nơi thu gom, vận chuyển nông sản cho người dân cũng như hỗ trợ đưa sản phẩm lên gian hàng số. Để bán hàng trên sàn TMĐT thuận lợi, người bán cần lưu ý đến những quy định riêng về việc đăng ký, sử dụng và bán hàng; danh sách các sản phẩm bị cấm giao dịch trên sàn. Chăm chút hình ảnh sản phẩm; chăm sóc khách hàng sau khi bán để được đánh giá cao, tạo uy tín cho gian hàng...

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Xuân Vinh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong những năm qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai nhiều ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển sản xuất nông nghiệp: Công nghệ tự động tưới cho cây trồng, nhật ký canh tác, tự động hóa trong khâu tưới nước, truy xuất nguồn gốc, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm trên các sàn thương mại: Sendo, Lazada, Postmart,… Tất cả những ứng dụng đó đã và đang phát huy được hiệu quả và đang dần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều phương thức mua và bán trong xã hội hiện nay. Việc xuất hiện các sàn thương mại điện tử đã giúp cho các nông sản như vải thiều và một số nông sản khác trên địa bàn tỉnh vẫn được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao. Thấu hiểu những vấn đề đó và để giúp cho bà con nông dân nhận thức và thực hành nhuần nhuyễn hơn việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử trong khuôn khổ cuộc hội thảo diễn ra. Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh, việc tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp với hình thức truyền thống bán tại chợ, tại siêu thị thì trong khuôn khổ hội nghị ngày hôm nay các đại biểu đã được tiếp cận một chợ khác đó là chợ thương mại điện tử. Việc quảng cáo sản phẩm nông nghiệp ngay trên những thiết bị điện tử là một bước tiến mới đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Cùng đó, các đại biểu được hướng dẫn thực hành đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Minh Nga- TT Khuyến nông

Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024