TT Khuyến nông: Nhân rộng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Những năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh luôn tăng ở mức cao so với khu vực nhất là giá trị sản xuất 01ha đất nông nghiệp của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước. Năm 2022 đạt 138 triệu đồng, cao gấp 2,8 lần so với năm 2010.

Để có được kết quả đó, thì công tác khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm đưa cây con, giống mới vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình đưa cây con giống mới vào sản xuất.

Trong những năm gần đây người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tiếp cận, thực hiện tốt hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, áp dụng cơ giới hóa nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất mang lại hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi.

Bàn giao máy cho cá ăn và hệ thống quạt nước cho hộ tham gia mô hình

Để có được kết quả đó có sự đóng góp của cả hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở. Hằng năm Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng các mô hình trồng trọt chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ, đưa bà con đi tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh. Thông qua những buổi tổ chức đó, bà con nông dân có cơ hội nắm bắt được quy trình kỹ thuật mới về cây trồng và vật nuôi để áp dụng vào sản xuất.

Ông Đào Xuân Vinh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, đến nay các mô hình sản xuất theo HTX, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được tăng cường, vấn đề cơ giới hóa đã được áp dụng phổ biến trong canh tác nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, các tiến bộ kỹ thuật mới như sản xuất trong nhà lưới nhà màng, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt, công nghệ số …đã được Trung tâm Khuyến nông triển khai và phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân trong tỉnh.

Những việc làm đó đã tác động trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế làm lợi cho bà con nông dân. Từ đó, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản. Vì vậy, trong những năm gần đây, các công ty nhà máy, HTX dịch vụ chế biến thực phẩm nông nghiệp ở tỉnh Bắc Giang đã đi vào hoạt động ổn định như HTX nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên, huyện Yên Dũng, từ việc được hỗ trợ mô hình trồng dưa lưới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai. Đến nay, HTX đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và ứng dụng công nghệ trồng các loại dưa, ớt… bình quân mỗi tháng đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng trên 30 tấn sản phẩm, trong đó hơn 50% cung cấp cho các siêu thị. Xác định về lâu dài, HTX sản xuất theo quy trình công nghệ cao trong nhà màng có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Xuân Đăng- Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên cho biết, sau khi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ về tài chính cũng như về khoa học kỹ thuật, HTX đã có một bước tiến mới, đặc biệt sự chuyển giao từng giai đoạn bước đầu có những thành quả riêng, ví dụ như đánh giá về thành phẩm hay chất lượng của các cây đã có bước tiến hơn so với trước kia.

Những chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông về xây dựng mô hình về đưa cây con giống mới vào sản xuất ở tỉnh Bắc Giang đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, từ việc giảm nghèo cho đến việc chú trọng sản xuất hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập đồng thời thích ứng với các điều kiện sinh thái và thị trường. Chính sách này cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất,an toàn thực phẩm.

Là một trong những hộ có quy mô lớn ở thôn Nội, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, ông Nguyễn Văn Đại đầu năm 2023, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn triển khai mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi thâm canh cá rô phi. Tham gia mô hình ông Đại được Trung tâm hỗ trợ 70% giá con giống, thức ăn và trang bị máy quạt nước, bộ điều hòa. Nhờ được tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ thiết bị máy quạt nước tạo sóng, tạo oxy gia đình thuận tiện trong việc chăm sóc ao nuôi cá. Trong quá trình nuôi, gia đình thấy đàn cá khỏe mạnh, ít bệnh sinh trưởng và phát triển nhanh, dự tính năng suất, sản lượng sẽ cao hơn theo phương pháp truyền thống. Không những vậy người nuôi cá còn kiểm soát được dịch bệnh, quản lý được sinh vật ngoại lai, khi đánh bắt thu hoạch giảm được nhân công. Do được xây dựng theo tính chất VietGAP nên sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đó chỉ là một ví dụ, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình thủy sản đạt kết quả cao như đã triển khai ở nhà ông Đại, như mô hình nuôi cá rô phi, cá lăng chấm thâm canh…với diện tích trên 31ha, tại các địa phương trong tỉnh. Các mô hình nuôi cá rô phi thâm canh theo hướng VietGAP, mô hình cá lúa, nuôi cá lồng, nuôi cá trắm đen thâm canh, nuôi tôm càng xanh. Đặc biệt, công tác khuyến ngư tập trung chuyển giao ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các mô hình thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai hàng chục mô hình về trồng trọt, chăn nuôi khác như mô hình trồng rừng gỗ lớn, mô hình liên kết sản xuất chè hữu cơ tại huyện Yên Thế, mô hình trồng cam giống mới, mô hình chăn nuôi ong nội theo quy trình VietGAP hay mô hình nuôi cá thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học và sử dụng công nghệ số vào trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để triển khai thành công các mô hình các cán bộ khuyến nông phải hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra thực tế nhằm nắm bắt một cách chính xác và có kế hoạch cụ thể để xây dựng mô hình, như việc xây dựng các mô hình mới, duy trì mở rộng các mô hình đã xây dựng để làm sao thay đổi nhận thức tập quán canh tác cũ của bà con nông dân. Cán bộ khuyến nông luôn xác định kiên trì hướng dẫn, tuyên truyền những cái mới đến bà con nông dân để thay đổi phương thức sản xuất cũ.

Chị Vũ Thị Thảo, cán bộ nông nghiệp xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên chia sẻ, bà con trước kia chưa hiểu kỹ thuật, khi đưa khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất bà con còn băn khoăn, chưa giám áp dụng, sau khi được vận động tuyên truyền, hướng dẫn một số kỹ thuật mới bà con hiểu biết thì cũng tiếp thu, áp dụng vào mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình.

Mặc dù, đang trong giai đoạn đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả là rõ rệt. Việc áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ 4.0 sẽ thúc đẩy kinh tế số và xã hội số, góp phần thay đổi phương thức sản xuất mô hình kinh doanh và tiêu dùng và đời sống văn hóa xã hội. Trong khi đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thị trường hàng nông sản cạnh tranh ngày càng khốc liệt, yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi ngày càng cao. Tuy nhiên, đây cũng vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội để nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang thực hiện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Đinh Truyền

 

Thứ tư, 08 Tháng 05 Năm 2024