Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nông nghiệp xanh là xu thế để phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững

|
查看数次:
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang được các địa phương đẩy mạnh để cụ thể hóa định hướng trên.

Theo đó, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh; đặc biệt năm 2023 tỉnh Bắc Giang đã ban hành “chùm” chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như chính sách liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp và thủy sản, chính sách hỗ trợ giống, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP...

Mô hình chè hữu cơ tại HTX Tân Trường (Yên Thế)

Sau 05 năm thực hiện Đề án, tỉnh đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 06 mô hình điểm trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời mở rộng thêm mô hình vải thiều hữu cơ diện tích 10 ha, chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược quy mô 20 nghìn con/năm và nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên các lĩnh vực. Tỉnh cũng đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn như mô hình chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi giun quế; mô hình chăn nuôi lợn, vịt, gà kết hợp sản xuất phân hữu cơ; mô hình lúa - cá; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ; mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường; mô hình trồng bưởi hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm... Qua thực tế đánh giá, các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế tăng thêm từ 12-300%, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã giúp giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi) từ 10-30% so với sản xuất thông thường.

Song sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống không có sự khác biệt nhiều, nhất là về giá bán do quy mô các mô hình còn nhỏ khó cạnh tranh để đi vào các chuỗi cửa hàng lớn; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chưa thực sự là động lực để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia...

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nền nông nghiệp xanh đang là xu thế không thể đảo ngược trong lĩnh vực nông nghiệp; đây được coi là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, là định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai khi Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về vai trò, lợi ích lâu dài của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Mở rộng hơn nữa kết quả Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hữu cơ; hỗ trợ giống phục vụ sản xuất hữu cơ; hỗ trợ phát triển sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chí OCOP; hỗ trợ gắn phát triển sản phẩm hữu cơ với du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm, hỗ trợ xúc tiến, quản bá sản phẩm hữu cơ....

Ngọc Thọ

Thứ năm, 20 Tháng 06 Năm 2024