Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa Chiêm xuân

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chi cục Trồng trọt và BVTV mới có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) và Trung tâm Dịch vụ - KTNN các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa Chiêm xuân 2023-2024

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, do điều kiện thời tiết thời gian gần đây nồm ẩm, mưa xen kẽ, nhiệt độ từ 25-300C, là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại đặc biệt là bệnh đạo ôn.

Bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại với tỷ lệ bệnh trung bình 1-3%, cao 6-8%, cục bộ 15-25%, diện tích nhiễm toàn tỉnh đến nay là 30ha, trên các giống lúa nhiễm như: BC15, TBR225, lúa thơm, KD18, lúa nếp, lúa Nhật... tại một số huyện, thị xã như: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Việt Yên...

Thời gian tới bệnh đạo ôn lúa tiếp tục phát sinh gây hại, nặng cục bộ từng ruộng, đặc biệt trên giống nhiễm, những chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm, ruộng xanh tốt, lướt lá. Nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời, bệnh đạo ôn sẽ gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa.

Để chủ động phòng trừ bệnh đạo đạo ôn hại lúa Chiêm Xuân 2023-2024, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến phát sinh bệnh đạo ôn và thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật như: Đối với diện tích lúa chưa xuất hiện bệnh, nhưng có nguy cơ nhiễm cao (giống nhiễm: BC15, Nếp, TBR 225, lúa thơm, lúa nhật, lúa nếp...) và những ổ bệnh hàng năm thường xuất hiện cần chăm sóc, bón phân cân đối, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ ngay khi bệnh xuất hiện.

Đối với diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn cần phun phòng trừ ngay bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu. Đối với những ruộng bị nhiễm nặng hoặc phun xong gặp mưa cần tiến hành phun kép lần 2, cách lần 1 từ 5-7 ngày. Đồng thời, không bón phân trong thời gian phun thuốc phòng trừ bệnh.

Ngoài đối tượng bệnh đạo ôn, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu
bệnh hại khác trên lúa để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân cú mèo, tập đoàn rầy...

Được biết, vụ Chiêm xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy 46,2 nghìn ha lúa, hiện lúa Xuân sớm giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, trà Xuân muộn giai đoạn đẻ nhánh./.

Ngọc Thọ

Thứ năm, 02 Tháng 05 Năm 2024