Sở Nông nghiệp và PTNT: Chỉ đạo chăm sóc phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng vụ chiêm xuân 2023-2024

|
Views:
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay trà lúa Xuân sớm giai đoạn đòng - chuẩn bị trỗ, trà lúa Xuân muộn giai đoạn phân hóa đòng; một số loại cây ăn quả chủ lực như: Vải, Nhãn, Cam, Bưởi... đang ở giai đoạn phát triển quả non. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng.

Thời gian gần đây, thời tiết có những đợt mưa lớn, xen kẽ nắng nóng, trời âm u, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại cây trồng vụ Chiêm Xuân. Để chủ động ứng phó với thời tiết bất thường, đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ Chiêm Xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Đối với cây lúa

- Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân duy trì giữ nước mặt ruộng đảm bảo đủ nước cho cây lúa trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc, nhằm hạn chế tác động của nắng nóng đầu mùa hè. Với diện tích lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng khẩn trương chỉ đạo nông dân bón đón đòng kịp thời; bón bổ sung Kaliclorua và cân đối NPK để lúa sinh trưởng phát triển tốt, quần thể đồng đều, trỗ bông tập trung. Với những ruộng sinh trưởng kém có thể bổ sung thêm dinh dưỡng phân bón qua lá để cây sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình sâu, bệnh hại để chủ động chỉ đạo phòng trừ  có hiệu quả các đối tượng như: Bênh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, tập đoàn rầy… trên tất cả các trà lúa, chú ý các giống nhiễm, vùng ổ dịch, chân đất trũng thấp...

Lúa đang trong giai đoạn làm đòng (ảnh minh hoạ)

2. Đối với cây rau mầu: Tiến hành rà soát diện tích gieo trồng của từng chủng loại, tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... ưu tiên phát triển những loại rau có đầu ra, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

3. Đối với cây ăn quả

- Cây vải, nhãn: Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tăm, cành vượt, cành bị sâu bệnh tạo thông thoáng vườn và tăng khả năng quang hợp, hạn chế lưu trú của sâu bệnh hại, tập trung dinh dưỡng nuôi quả; bón phân cân đối NPK, bổ sung thêm các chế phẩm phân bón qua lá  giàu hàm lượng Bo như: Botrac, Superbo, Bo-Canxi... để giúp phát triển quả thuận lợi, hạn chế tỷ lệ rụng quả.

Đối với vùng vải thiều xuất khẩu: Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại, nhất là đối tượng sâu đục cuống quả, bệnh thán thư, sương mai...; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Để đảm bảo sản xuất vải an toàn, nhất là các vùng vải thiều xuất khẩu, hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.

- Đối với cây cam, bưởi: Tiến hành các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tăm, cành khô, tỉa bớt quả trên chùm dày quả, loại bỏ quả nhỏ, quả vẹo. Bón phân cân đối NPK, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng hạn chế sâu bệnh hại.

4. Đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đảm bảo thời gian cách ly… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng ngoài danh mục hoặc cấm sử dụng...

6. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại, thông tin tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật kịp thời, hiệu quả. Thực hiện báo cáo tình hình sản xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.

Phòng Trồng trọt

Thứ sáu, 17 Tháng 05 Năm 2024