Chuyển đổi số nông nghiệp Bắc Giang: Kết quả, khó khăn và giải pháp thực hiện thời gian tới

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chuyển đổi số là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, giúp quản lý chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận, đồng thời khắc phục điểm yếu cố hữu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ.

Thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nông nghiệp là một trong 9 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước, thực hiện thành công sẽ có hiệu quả ngay cho xã hội. Ngành Nông nghiệp đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để thực hiện số hóa phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngành nông nghiệp, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của ngành những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao.

Ngành đã và đang xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) một số lĩnh vực chủ lực phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống thông tin và CSDL về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang; xây dựng phần mềm CSDL quản lý về cấp giấy chứng nhận ATTP và kết quả thanh kiểm tra vệ sinh ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh bằng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS). Xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Xây dựng mã số vùng trồng (quy mô từ 10ha trở lên), thực hiện số hoá vùng trồng cây ăn quả tập trung để quản lý quy trình sản xuất VietGap, GlobalGap, hữu cơ nhằm minh bạch thông tin, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cập nhật thông tin lớp CSDL công trình thủy lợi trên nền GIS dùng chung tỉnh Bắc Giang. Ứng dụng phần mềm số hoá quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng mô hình xã thương mại điện tử xã Phúc Hòa. Hệ thống CSDL tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) toàn quốc.

ảnh minh họa

Trong kết nối mạng internet vạn vật (IoT): Ngành đã ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản (sử dụng thiết bị thông minh điều kiện sục khí tạo oxy, cho ăn, thiết bị đo môi trường); ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos trong trồng cây ăn quả giúp tính toán thời điểm bón phân, thu hoạch, cảnh báo sớm sâu bệnh cho cây trồng; công nghệ tưới tự động, châm phân cho cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; ghi sổ nhật ký điện tử; xây dựng mã QR Code, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tự động hoá trong chăn nuôi lợn; ứng dụng máy bay không người lái trong gieo mạ, phun thuốc BVTV, kiểm tra, cảnh báo phát hiện cháy rừng, phá rừng...

Phát triển hạ tầng nông nghiệp phục vụ chuyển đổi số của ngành: Ngành đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông, thuỷ lợi, cơ giới hoá trong sản xuất, duy trì chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để có hạ tầng tốt tạo tiền đề cho việc chuyển đổi số; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, HTX, người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết công việc đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Kết quả đạt được trong chuyển đổi số của ngành rất đáng ghi nhận, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn gặp phải các khó khăn. Nhận thức của cán bộ, Nhân dân về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa hiểu, chưa rõ nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, nhiều địa phương lúng túng trong thực hiện; ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, mới chỉ thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng hoặc một số khâu nhất định mà chưa theo chuỗi sản xuất. Năng lực tài chính của các HTX, doanh nghiệp và người dân còn yếu, khó tiếp cận được với công nghệ tiên tiến. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Nguồn lực về con người có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế. Nguồn lực về tài chính thực hiện chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện. Chưa có các Đề án tổng thể về chuyển đổi số mà chủ yếu là các phần mềm riêng biệt, chưa kết nối, liên thông được với cơ sở dữ liệu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Các điều kiện đáp ứng chuyển đổi số gặp khó khăn, do ngành nông nghiệp gồm nhiều lĩnh vực, chủ yếu sản xuất ngoài trời, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp nên khó áp dụng được công nghệ và thu hút doanh nghiệp công nghệ vào nông nghiệp. Biến động mạnh về sản lượng do chu kỳ ngắn, điều kiện thời tiết, và khả năng bảo quản. Tập quán và ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết, trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp cũng là một thách thức trong chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.

Giải quyết vấn đề trên, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp tạo thành công để nhân rộng sang các lĩnh vực khác. Đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng các hình thức tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân hiểu tầm quan trọng, xu thế tất yếu của chuyển đổi số; khuyến khích nông dân sử dụng các thiết bị điện tử để thay đổi tập quán sản xuất từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Xây dựng đội ngũ chuyên trách về chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai gắn với hỗ trợ đầu tư hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, hình thành sản xuất quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, coi đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng cho các tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số.

Thời gian tới, Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án/kế hoạch tổng thể chuyển đổi số ngành nông nghiệp để tổ chức thực hiện đồng bộ hơn. Tập trung xây dựng CSDL lớn của ngành. Thực hiện tích hợp các phần mềm CSDL vào CSDL dùng chung của tỉnh, Bộ, ngành. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Ngọc Thọ

Thứ bảy, 27 Tháng 04 Năm 2024