Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Với niềm đam mê, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu từ tài nguyên bản địa, chị Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1986), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang đã thành công trong việc khôi phục, bảo tồn, phát triển bền vững cây sâm Nam núi Dành, đưa thương hiệu sản vật quý ở địa phương đến với nhiều thị trường trong nước.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành.

Núi Dành xưa kia thường gọi là núi Chung Sơn, phần lớn diện tích nằm trên địa bàn xã Liên Chung và một phần của xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo tương truyền, cùng các tư liệu lịch sử, thời vua Tự Đức, mẹ nhà vua (Đức Từ Dụ Hoàng thái hậu) trở bệnh, dẫn đến mờ lòa cả hai mắt. Các thái y trong cung chữa bệnh cho thái hậu nhưng không khỏi. Nhiều lang y giỏi, những phương thuốc hay đều đã dùng nhưng không có kết quả. Nghe tin, một vị quan xứ Kinh Bắc đã dâng lên vua củ sâm Nam phân bố ở núi Dành để chữa bệnh cho thái hậu. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt của mẹ vua sáng trở lại. Từ đó, sâm Nam núi Dành thường được gọi là “sâm tiến Vua”,  trở thành sản vật quý ở địa phương.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người lên núi Dành tìm kiếm, khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Những năm ở thế kỷ trước, sâm Nam núi Dành gần như bị lãng quên. Nhưng hiện nay, sau nhiều nỗ lực khôi phục, bảo tồn của các nhà khoa học, cùng các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, sâm Nam núi Dành đã được “hồi sinh”. Hiện nay, sâm Nam núi Dành, cũng như các sản phẩm từ sâm được khách hàng nhiều nơi trong nước biết đến.

Sản phẩm củ sâm Nam núi Dành trên 5 tuổi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đạt chứng nhận VietGAP. Đây là một dấu mốc, minh chứng cho những giá trị dược tính của một loài sâm vốn được lưu truyền trong dân gian, thậm chí có khi tưởng như tuyệt chủng. Đó cũng là thành quả sau nhiều năm cố gắng của các nhà khoa học, cùng các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong việc khôi phục, bảo tồn, phát triển bền vững nguồn gen quý hiếm này.

Theo kết quả nghiên cứu, sâm Nam núi Dành (tên khoa học Callerya speciosa), có chất saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin và saccharid. Ngoài ra, còn cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như axit amin, vitamin, khoáng chất,… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa, chữa ho, long đờm,...

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sâm Nam núi Dành của gia đình, với vóc dáng nhanh nhẹn, ánh mắt sáng, nụ cười tươi đầy thân thiện, chị Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung cho biết, sinh ra và lớn lên ở xã Hợp Đức, huyện Tân Yên. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, năm 2011, chị về công tác tại xã Liên Chung với vai trò là các bộ khuyến nông. Qua quá trình công tác và làm dâu tại đây, chị nhận thấy sâm Nam phân bố ở khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng, là cây dược liệu quý, nhưng chưa được chú trọng và phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có ở địa phương. Từ đó, chị luôn nung nấu ý tưởng phải làm một việc gì đó để bảo tồn, nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây sâm Nam núi Dành, đưa loài cây này trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân Liên Chung.

Năm 2019, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bắc Giang về địa phương nghiên cứu, chọn tạo cây đầu dòng sâm Nam núi Dành để nhân giống. Cơ duyên đã đến, cuối năm 2020, chị Dung đã quy tụ các hộ trồng sâm trên địa bàn xã, rồi thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành, với 17 thành viên, diện tích ban đầu 4,5 ha.

Chị Dung chia sẻ: “Tôi thành lập Hợp tác xã để liên kết, cùng nhau sản xuất cây sâm theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Qua đó, quảng bá, giới thiệu và tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây bản địa này. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Khi mới thành lập Hợp tác xã, gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn, thiếu máy móc sản xuất. Sản phẩm của Hợp tác xã phải cạnh tranh với các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như sâm Ngọc Linh, sâm Hàn Quốc. Từ đó, các thành viên e ngại, lo lắng về tương lai của của cây sâm Nam, nhất là đầu ra, nên chưa mạnh dạn đầu tư ”.

Với kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Dung đã vận động các thành viên khắc phục khó khăn, mở rộng diện tích trồng sâm. Cùng với đó, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ, các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm do huyện, tỉnh tổ chức.

Năm 2021, Hợp tác xã thu hoạch vụ hoa sâm đầu tiên. Khi ấy, giá bán trung bình 1 triệu đồng/kg hoa khô. Từ đó, các thành viên đã tin tưởng vào hướng đi của Hợp tác xã và tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm, cũng như đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ chế biến các sản phẩm từ sâm.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc

sâm Nam núi Dành với thành viên HTX.

Hiện nay, Hợp tác xã đã có nhiều sản phẩm từ sâm đạt chất lượng, thị trường ổn định như: Nụ hoa sâm Nam núi Dành, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2022; Củ sâm tươi (trên 5 tuổi), sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt chứng nhận VietGAP; củ sâm khô; củ sâm ngâm mật ong; củ sâm ngâm rượu,... Hợp tác xã đã mở rộng diện tích lên 20 ha; đồng thời, liên kết với các hộ có diện tích trồng sâm trên địa bàn xã, nâng tổng diện tích sâm lên tới 45 ha.

Theo quan sát vườn sâm của gia đình chị Dung, sâm Nam núi Dành là loài dây leo mảnh, yếu, khi sinh trưởng và phát triển thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành, lá cây khác để vươn lên. Chính vì vậy mà khi trồng sâm, người dân phải cắm thêm các cành cây chắc, khỏe, làm thêm giàn đỡ có độ bền cao để cây sâm tựa, cuốn vào và vươn lên. Vườn sâm được lắp đặt hệ thống tưới nước sạch, phun xương tự động.

Theo chị Dung, sâm Nam núi Dành trồng sau gần một năm bắt đầu ra hoa. Hoa ra thường từ tháng 8 đến giữ tháng 10, mỗi vụ ra hoa kéo dài khoảng 1,5 tháng. Thu nhập từ hoa, trung bình 1 ha sâm, một năm sẽ cho thu hoạch khoảng 150 - 200 triệu đồng. Sau 5 năm trồng, sẽ cho thu hoạch củ sâm. Thu nhập từ củ sâm khoảng từ 4 - 5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 3 tỷ đồng/ha. Tất cả các bộ phận của cây sâm Nam núi Dành từ lá, thân, hoa, củ, rễ đều được sử dụng.

Ngoài việc chú trọng phát triển củ sâm tươi và các sản phẩm từ sâm, đầu năm 2021, chị Dung bắt đầu nghiên cứu, nuôi thử nghiệm gà bằng thảo dược. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không mấy khác biệt so với cách nuôi thông thường. Đặc trưng khác biệt là chị Dung xay nhỏ thân, lá cây sâm rồi trộn lẫn vào thức ăn và cho đàn gà uống nước từ rễ, thân, lá của cây sâm, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh. Ngay lứa đầu tiên thử nghiệm, nuôi gà bằng thảo dược, đàn gà kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm, ngon; giá bán cao hơn giá cùng loại trên thị trường từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg, nhưng không có nguồn để cung cấp cho thị trường.

 

Mô hình nuôi gà bằng thảo dược tại HTX sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung.

Sau khi nuôi thử nghiệm nuôi gà bằng thảo dược thành công, chị Dung đã giới thiệu mô hình chăn nuôi này tới các thành viên trong Hợp tác xã và một số hộ dân ở địa phương. Cùng với đó, chị Dung đã liên kết với 3 hộ dân ở xã Hợp Đức và xã Phúc Hòa, mở rộng quy mô chăn nuôi lên tới gần 10.000 con. Chị Dung lo thức ăn cho đàn gà, phụ trách kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

“Đến nay, không những Hợp tác xã mà nhiều gia đình trên địa bàn đã áp dụng mô hình nuôi gà bằng thảo dược thành công. Mỗi lứa gà đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi xuất chuồng, nông dân đã có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, bước đầu đã tạo nên thương hiệu gà nuôi bằng thảo dược riêng biệt của huyện Tân Yên. Dự kiến Tết Nguyên đán tới, Hợp tác xã sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 con gà sâm thương phẩm”, chị Dung chia sẻ thêm.

Liên Chung là xã thuần nông, vẫn còn tư tưởng phong kiến nên phụ nữ ở địa phương chưa có “tiếng nói” trong gia đình. Bởi, người đàn ông trong gia đình có thu nhập cao hơn (thường làm thợ xây dựng), còn phụ nữ chỉ trồng trọt nên có thu nhập thấp, chỉ để chi tiêu nhỏ trong gia đình. Nhưng từ năm 2020, khi có dự án sâm Nam núi Dành, Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động nữ, thực hiện công việc chăm sóc vườn sâm, thu hái hoa, đóng gói sán phẩm,... Đặc biệt, vào vụ thu hoạch hoa sâm, Hợp tác xã phải sử dụng tới 100 lao động, để thu hái hoa với thời gian từ 1,5 - 2 tháng, có thu nhập ổn định từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Từ khi phụ nữ ở địa phương có thu nhập, giúp chị em nâng cao vị thế, chủ động làm kinh tế, góp phần giữ gìn gia đình ấm no, hạnh phúc.

Đến nay, nhiều người dân trong tỉnh, cũng như ở các địa phương khác như. Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Đắc Nông,... đến mua giống sâm Nam núi Dành về trồng, kết quả cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt. Kỳ vọng thời gian tới, với việc không ngừng mở rộng sản xuất trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, kết hợp với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua xúc tiến thương mại, đặc sản vùng miền trên cả nước, sâm Nam núi Dành sẽ trở thành thương hiệu nổi tiếng, niềm tự hào của người dân Bắc Giang.

Vừa qua, tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài năng bản địa” năm 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức, dự án “Khởi nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm từ sâm Nam núi Dành tỉnh Bắc Giang do chị Nguyễn Thị Kim Dung là đại diện đã được cấp Chứng nhật đạt giải Nhất cấp vùng khu vực phía Bắc và đã xuất sắc vượt qua các ý tưởng dự thi đạt giải Nhì chung kết toàn quốc cuộc thi này. Với những mô hình và mang lại giá trị cả về kinh tế, tinh thần cho người dân bản địa; năm 2023, chị Dung và đã được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Năm 2023, Hợp tác xã đã được Chủ tịch UBND huyện Tân Yên khen thưởng do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; sản phẩm nụ hoa sâm nam núi Dành khô của Hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

                                                                                           Dương Đại Tiến

Thứ bảy, 27 Tháng 04 Năm 2024