Lục Nam: Phấn đấu có tối thiểu 7 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Năm 2024, huyện Lục Nam phấn đấu đạt mục tiêu có tối thiểu 7 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên và đánh giá lại 02 sản phẩm được công nhận năm 2020, 2021.

Các sản phẩm OCOP đăng ký mới năm 2024 gồm: Khoai lang Yên Sơn (hộ kinh doanh, thôn Nội Chùa, xã Yên Sơn); Long nhãn Lục Sơn (HTX dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn); Rượu đông trùng hạ thảo; mật ong đông trùng hạ thảo (Công ty TNHH dược thảo Trường Thọ); Bánh mật Thanh Lâm (Tổ hợp tác bánh mật); Nem chua Tư Thủy (hộ kinh doanh, thôn Lầm, xã Trường Sơn) và Trà hoa vàng đông trùng túi lọc (HTX dược liệu công nghệ cao Trường Sơn). Đồng thời, trong năm huyện tổ chức đánh giá lại sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô (Đông trùng hạ thảo khô, thôn Đông Sơn xã Đông Hưng) và Trà hoa vàng (HTX dược liệu công nghệ cao Trường Sơn) được công nhận năm 2021, 2022.

Để đạt được kế hoạch, UBND huyện giao cho các phòng, ban, đơn vị trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các Cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...). Khuyến khích xây dựng các gói quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử văn hoá vùng miền, địa phương.

Sản phẩm trà hoa vàng của HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn

Tăng cường các hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn mác, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên và các chủ thể sản xuất có sản phẩm mới tham gia chương trình năm 2024.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch nông thôn. Hình thành mới hoặc tái cấu trúc bộ máy tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế (HTX, doanh nghiệp,…). Nâng cao năng lực quản trị (sản xuất, tài chính,…), bán hàng, quảng bá, xúc tiến thương mại.

Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm OCOP. Thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Lồng ghép, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm như hỗ trợ hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm.

UBND huyện sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt từ 3- 4 sao bao gồm các sản phẩm mới, sản phẩm đánh giá lại, sản phẩm nâng hạng theo Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh Bắc Giang về khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024- 2025.

Bài: Hương Giang

Thứ bảy, 27 Tháng 04 Năm 2024